Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Thành phố Mandalay, nằm gần tâm chấn của trận động đất hôm 28/3, là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Myanmar. Khắp thành phố là những bãi đổ nát, nhiều nhà cửa, kể cả những tòa nhà cao tầng, tu viện, chùa chiền chỉ còn là đống gạch vụn và ngổn ngang bê tông.
Nhiều hình ảnh trong và sau thảm họa động đất ở Mandalay đang được lan truyền trên các mạng xã hội.
Xem video nhà sư Myanmar vừa dùng điện thoại quay cảnh tòa nhà cao tầng nằm trong khuôn viên ngôi chùa Ma Soe Yein ở Mandalay đang đổ sụp xuống, vừa bỏ chạy (Nguồn: X)
Cânh tòa nhà kiên cố sập xuống khiến các nhà sư hoảng sợ (Nguồn: X)
Theo báo cáo vào cuối ngày 29/3 từ giới chức Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại nước này vào trưa 28/3 đã tăng lên ít nhất 1.644 người, và gần 3.400 người bị thương.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 30 người mất tích tại thành phố Mandalay, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Myanmar có thể còn phải đối mặt với nhiều trận động đất và dư chấn mạnh trong thời gian tới. Các mô hình dự báo thảm họa cho thấy con số thương vong có thể lên đến hàng chục nghìn người.
Những con số báo cáo nêu trên chỉ là sơ bộ khi hệ thống liên lạc tại nhiều địa phương bị tê liệt do cơ sở hạ tầng bị phá hủy hoàn toàn trong thảm họa động đất.
Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất hôm 28/3 là trận động đất mạnh nhất tấn công Myanmar trong hơn một thế kỷ qua. USGS ước tính số người chết do thảm họa này có thể lên tới 10.000.
Trận động đất gần đây nhất có cường độ tương tự xảy ra vào năm 1912 tại Taunggyi, một thành phố ở miền trung Myanmar.
Theo tờ Washington Post, các nhà khoa học cho biết sức mạnh của trận động đất vừa qua ở khu vực thành phố Mandaly đã được âm thầm tích tụ trong một thời gian dài trong vùng đứt gãy ở vỏ Trái đất, và họ đã lo sợ về một thời điểm nó giải phóng năng lượng.
"Chúng tôi hoàn toàn nghĩ rằng nó sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình, nhưng thực sự không có cách nào để nói khi nào nó sẽ xảy ra" - Eric Lindsey, nhà địa vật lý tại Đại học New Mexico (Mỹ), cho biết - "Thật sự kinh hoàng khi chứng kiến nó thực sự xảy ra".
Động đất là do sự giải phóng năng lượng đột ngột, thường là do các mảng kiến tạo trượt qua nhau. Trận động đất chết chóc ngày 28/3 ở Myanmar xảy ra ở khu vực giữa các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu. Các mảng này dường như dính chặt vào nhau, nhưng trên thực tế mảng Ấn Độ di chuyển về phía bắc so với phần còn lại của Đông Nam Á. Khi hai mảng này cọ xát vào nhau, chuyển động của chúng buộc phải được giải tỏa ra dọc theo các đường đứt gãy ngăn cách hai mảng - trong trường hợp này là phần trung tâm của Đứt gãy Sagaing, một trong những đứt gãy hoạt động mạnh nhất ở Myanmar.
Trên Đứt gãy Sagaing, nhà địa vật lý Lindsey cho biết, sẽ có một vài milimét dịch chuyển mỗi năm. Tuy nhiên, đứt gãy không tách ra mà thay vào đó tạo ra một "sự thiếu hụt đứt gãy". Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, "các đứt gãy trượt theo từng đợt do ma sát. Những đợt đó chính là động đất", Jaime Toro, giáo sư địa chất tại Đại học West Virginia (Mỹ), cho biết.