Vì sao Trung Quốc lại muốn bành trướng ở Biển Đông?

Một điều rõ như ban ngày mà ai cũng biết là: Khi cách mạng Trung Quốc thành công vào năm 1949 thì các khu vực địa - chính trị quan trọng của thế giới đã được phân chia xong giữa các nước lớn và các bên đã giành được phần thắng trong chiến tranh thế giới thứ II, những nước phát - xít có ý đồ bá chủ thế giới và cướp bóc các nước đã bị thất bại nhục nhã. Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời bị rơi vào thế khó xử, “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi vì lúc đó ở phía Bắc Trung Quốc, Liên Xô là lực lượng chủ công trong việc đánh thắng phát - xít Đức đang phục hồi và lớn mạnh sau chiến tranh.

 

Ở phía Tây Trung Quốc thì Ấn Độ cũng mới giành được độc lập từ tay thực dân Anh trước cả Trung Quốc và khi đó toàn vùng Nam Á hầu như còn đang gắn kết chặt với nhau chưa bị các nước lớn khác chia rẽ như hiện nay. Ở phía Đông Trung Quốc, phát - xít Nhật tuy bị bại trận nhưng lại được Mỹ chống lưng và nằm trong khối liên minh của Mỹ cùng với Đài Loan là nơi Tưởng Giới Thạch phải chạy từ đại lục Trung Quốc ra để náu mình chờ thời. Có thể nói, đất nước “Trung Nguyên” mà nhiều trùm phong kiến Trung Quốc từ xa xưa đã mơ tưởng biến thành “Trung tâm của thế giới” đang bị bao vây từ nhiều phía, chỉ còn một cửa ra Biển Đông là lối thoát duy nhất.


Đến cả biên giới của Trung Quốc lúc đó được các nhà địa lý vẽ thành bản đồ cũng giới hạn cửa ngõ phía Nam cuối cùng của Trung Quốc cũng chỉ nằm ở đảo Hải Nam mà thôi. Cũng vì lẽ đó mà ngay từ khi còn cầm quyền ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch cũng đã mưu tính vạch ra tới 11 đoạn xuống Biển Đông để hòng bành trướng xuống phía Nam sau này. Cũng chính dựa vào ý tưởng của Tưởng Giới Thạch mà các thế hệ các nhà cầm quyền ở Trung Quốc từ năm 1949 đến nay đã vẽ ra hình “lưỡi bò” 9 đoạn và gần đây lại thêm một đoạn nữa là 10.


Trung Quốc coi Biển Đông là một cửa ngõ thuận lợi để bành trướng xuống phía Nam với ý đồ biến đất nước của họ vốn là một đại lục trở thành một quốc gia có cả biển đảo. Tiến xuống Biển Đông, Trung Quốc có nhiều ý đồ: về cả kinh tế, thương mại, hàng hải, tài nguyên, nhiên liệu, nhất là dầu mỏ, khí đốt (nguồn máu nuôi sống nền kinh tế của Trung Quốc), các quần đảo như Hoàng Sa, Trường Sa, các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của nhiều nước Đông Nam Á, thậm chí cả các mưu đồ về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và chính trị..., nhất là vào đúng lúc Mỹ đang có chủ trương xoay trục sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.


Có nhà nghiên cứu đã viết rằng Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch độc chiếm Biển Đông từ cách đây 60 năm, khởi đầu từ năm 1950 và ngày càng hung hăng và quyết liệt hơn. Người ta còn nói dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mao Trạch Đông và Ban lãnh đạo tập thể của Trung Quốc lúc bấy giờ, cố Thủ tướng Chu Ân Lai là người tích cực nhất rồi đến Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình bây giờ. Chuyện kể rằng: Trong thời gian tham dự Hội nghị Geneve về Việt Nam năm 1954, Chu Ân Lai đã cố đòi bằng được thế giới phải công nhận vai trò và vị trí đại cường quốc của Trung Quốc và Bắc Kinh phải có vai trò quan trọng “trong việc giải quyết mọi vấn đề hòa bình của thế giới”(?!). Nhưng đến năm 1956, khi Pháp phải trả lại chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam, Trung Quốc đã đánh và chiếm phần phía Đông của Hoàng Sa.


Đến năm 1974, sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, khi quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Việt Nam, Trung Quốc đã đưa tàu chiến và quân đội đến đánh chiếm nốt phần còn lại của Hoàng Sa. Sau khi tiến hành 4 hiện đại hóa, Trung Quốc tăng cường được sức mạnh về nhiều mặt, Đặng Tiểu Bình đã ra mặt khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực ở Biển Đông. Đến năm 2010, dưới thời cầm quyền của Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc lại có nhiều hành động táo bạo hơn ở Biển Đông.


Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy Trung ương của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không bao lâu, ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho cấp dưới của mình đưa giàn khoan Hải Dương -981 cùng nhiều máy bay, hàng trăm tàu bè các loại, kể cả tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và cả các phương tiện chiến tranh bí mật khác kéo xuống hạ đặt giàn khoan tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Hoàng Sa, bất chấp sự phản đối có lý, có tình và hết lòng kiên nhẫn của Việt Nam; dư luận bất bình của quốc tế và các nước bầu bạn; bất chấp các quy định của Liên hợp quốc và các luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia ký kết...


Nhận định về những tính toán của Trung Quốc hiện nay về Biển Đông, “Bản tin châu Á - Thái Bình Dương” cho rằng những tính toán đó của Bắc Kinh được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố, cả từ bên trong và bên ngoài:


Một là, Trung Quốc phải thay đổi nguyên trạng hiện nay ở Biển Đông thông qua các phương tiện cần thiết mà họ đang có. Trung Quốc dù ưu tiên sử dụng các lực lượng dân sự và bán vũ trang, song không loại trừ cưỡng ép quân sự cần thiết. Trong khi việc mở rộng ra các phía bên ngoài (như nói ở trên) gặp nhiều khó khăn thì ở khu vực từ Nhật Bản kéo xuống Philippines, Biển Đông lại là khu vực rộng lớn để Trung Quốc mở rộng hành động.


Hai là, thời điểm của các hoạt động của Trung Quốc gần đây gắn nhiều với chính trị nội bộ của Trung Quốc; ông Tập Cận Bình cần có một vị thế ngoại giao mạnh để củng cố cơ sở quyền lực bên trong. Các chương trình cải cách của ông Tập Cận Bình “làm sâu sắc cải cách kinh tế”, “chống tham nhũng”... đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhiều nhóm lợi ích và chính trị cấp cao có thể bị họ phản ứng lại. Do đó ông Tập Cận Bình cần phải có “thành tựu đối ngoại” (ý là gây được sự chú ý của dư luận trong nước với việc ông làm ở bên ngoài) để xây dựng hình ảnh ông là một nhà lãnh đạo cứng rắn và giảm được sự chỉ trích nội bộ và các chương trình nghị sự của mình.


Ba là, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể cứng rắn ở Biển Đông không chỉ vì Trung Quốc có sức mạnh có thể lấn át được tất cả các nước ở Đông Nam Á mà còn vì Mỹ sẽ không dám sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với hành động của Trung Quốc (?). Việc Mỹ do dự trong vấn đề Xirya và Ukraine cho thấy chính quyền của ông B.Obama không muốn can dự vào xung đột quân sự, đặc biệt là không muốn có một di sản đối ngoại có xung đột với Trung Quốc (?!).


Bốn là, khác với một vài năm trước đây còn có cuộc tranh luận trong giới chính sách và pháp lý Trung Quốc về tính hợp lý của đường 9 đoạn (nay đã kéo dài thành 10 đoạn), hiện nay gần như tất cả các ý kiến ở Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh nên đơn phương theo đuổi đòi hỏi này. Trung Quốc đã đầu tư nhiều về pháp lý để củng cố lập luận “quyền lịch sử” của mình, cho rằng công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 UNCLOS không quy định rõ vấn đề này và đường 9 đoạn tồn tại trước UNCLOS (?!).


Cuối cùng, Trung Quốc cho rằng trong tính toán lợi ích và chi phí thì Bắc Kinh cho rằng lợi ích có được từ những hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông còn lớn hơn nhiều so với chi phí.


Chuyên gia Pháp Vale’rie Niquet đứng đầu bộ phận châu Á của Hiệp hội nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) thì khẳng định thẳng thừng: Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay biển Hoa Đông không chỉ bị các nước láng giềng của Bắc Kinh là Việt Nam, Philippines, Nhật Bản... phản đối mà cả cộng đồng quốc tế đều bày tỏ thái độ như vậy, bởi vì Trung Quốc chỉ đơn thuần giải thích các tuyên bố chủ quyền của họ bằng nguyên nhân lịch sử. Nếu như vậy, thì Hy Lạp cũng có thể đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung Hải. Hơn nữa, những tuyên bố khá mới mẻ đó của Trung Quốc lại không xác định được một cách rõ ràng như Philippines, Việt Nam và các nước khác yêu cầu...


Hồ Đức Minh

Trung Quốc rút giàn khoan bất hợp pháp khỏi vùng biển Việt  Nam
Trung Quốc rút giàn khoan bất hợp pháp khỏi vùng biển Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo đã "hoàn thành việc khoan và thăm dò" ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, ngày 15/7 giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép đã được rút khỏi vùng biển Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN