Sáng ngày 11/7, Hội thảo quốc tế thường niên về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại thủ đô Washington tiếp tục bước sang ngày làm việc thứ hai với hai chủ đề thảo luận về triển vọng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và việc hợp tác, xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chiến lược và đa phương (Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương), ông Michael Fuchs, đã phát biểu đề dẫn Hội thảo và đưa ra đề xuất của Mỹ về các bước đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông.Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs cho biết Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cam kết trong Tuyên bố ửng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) là tránh các hoạt động "làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định". Tuy nhiên theo ông, các phát biểu từ các quốc gia đòi hỏi chủ quyền cho thấy không có sự đồng thuận hay định nghĩa về loại hành động nào được coi là “làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”. Các biến cố gần đây cho thấy nhu cầu các bên đòi hỏi chủ quyền phải minh bạch về hoạt động của mình trong các vùng tranh chấp và đạt được một nhận thức chung về hành vi nào là phù hợp tại các khu vực tranh chấp này. Đây là lý do Mỹ đang hối thúc Trung Quốc và ASEAN tiến hành “thảo luận thực sự” nhằm bổ sung các yếu tố kêu gọi việc “tự kiềm chế” vào DOC.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Vị quan chức ngoại giao này cho biết Mỹ đã kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền cần làm rõ và đồng ý tự nguyện dừng các hoạt động và hành vi nhất định gây leo thang tranh chấp và bất ổn khu vực, như đã được chỉ ra trong DOC. Theo ông, các cam kết này sẽ giúp giảm căng thẳng và mở ra không gian cho các giải pháp hòa bình, đồng thời là một biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều vấn đề khó khăn hơn liên quan đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được xử lý. Ông cho rằng bước đi dễ dàng đầu tiên đã được thể hiện trong DOC là các bên tranh chấp tái cam kết không thiết lập các căn cứ quân sự mới. Quan trọng hơn, các bên tranh chấp có thể cam kết không chiếm đóng các thực thể địa chất mà bên tuyên bố chủ quyền khác đã chiếm giữ kể từ trước thời điểm DOC được ký kết tháng 11/2002.
Liên quan đến việc xây dựng và cải tạo đất, các bên yêu sách có thể làm rõ những loại thay đổi nào là “khiêu khích” và loại nào chỉ đơn thuần là các nỗ lực nhằm duy trì sự hiện diện từ lâu, phù hợp với nguyên trạng năm 2002. Ví dụ, sự thay đổi mà về cơ bản làm khác bản chất, kích thước hay năng lực của sự hiện diện có thể sẽ không được chấp nhận. Trái lại, các hoạt động bảo trì thường xuyên sẽ được cho phép. Yếu tố cuối cùng của việc dừng các hoạt động và hành vi gây leo thang tranh chấp và bất ổn khu vực là các bên tranh chấp có thể nhất trí không sử dụng các biện pháp đơn phương chống lại các hoạt động kinh tế từ lâu của các bên tranh chấp khác đã và đang diễn ra tại khu vực tranh chấp. Ông hy vọng sẽ có tiến bộ thực sự về những nỗ lực khu vực nhằm thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trong tháng Diễn đàn khu vực ASEAN tới.
Phần trình bày của luật sư Paul Reichler, cố vấn pháp lý cho Phillipines trong vụ kiện mà nước này đang tiến hành chống lại Trung Quốc tại Tòa án Liên Hợp quốc về Luật biển (ITLOS) đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tham dự. Ông cho biết “Đường chín đoạn” chưa bao giờ được Trung Quốc mô tả cho tới năm 2009. Đường này mở rộng từ 400 – 800 hải lý ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc, vượt xa các giới hạn mà luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng cho phép. Các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc được dựa trên “Đường chín đoạn” chứ không dựa vào UNCLOS.
Với tư cách là luật sư cho Philippines, ông mong muốn Trung Quốc tham gia vào vụ kiện nhằm phân định rõ ràng các tuyên bố chủ quyền. Ông cho biết đến nay Trung Quốc vẫn im lặng về tuyên bố của Philippines đối với cùng một số hòn đảo và “sự im lặng này nói lên nhiều điều”. Ông khuyến nghị điều mà Mỹ có thể làm là phê chuẩn UNCLOS, giúp Mỹ có “thẩm quyền về đạo đức” nhằm thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Paul Reichler, Giáo sư Jerome Cohen của Đại học New York (Mỹ) nhấn mạnh việc Ấn Độ, một cường quốc đã không e ngại chấp nhận thua cuộc trong phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vụ kiện Vịnh Bengal với Bangladesh mới đây là một ví dụ tốt cho các vụ kiện giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Theo kế hoạch, Trung Quốc có thời gian đến tháng 12/2014 để quyết định có tham gia vụ kiện của Philippines hay không và phán quyết của ITLOS về vụ kiện này dự kiến được đưa ra vào tháng 1/2016.
Tin, ảnh: Quang Hòa (P/v thường trú TTXVN tại Washington)