Các chính trị gia Phương Tây lớn tiếng đe dọa trừng phạt và cô lập Nga trong một nỗ lực nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin lui bước trong quyết định liên quan vấn đề Crimea (Crưm). Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đưa ra cho đến nay hết sức chung chung và mang tính biểu tượng nhiều hơn.Thật khó để có thể nói Phương Tây và Mỹ tin vào các liệu pháp của họ. Thậm chí việc lớn tiếng đe dọa Nga đơn giản chỉ là do họ buộc phải làm như vậy. Trong bất kỳ tình huống nào, ông Putin đều tiếp nhận với thái độ điềm tĩnh, cho thấy ông không chịu áp lực từ những lời đe dọa trừng phạt này.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Một trong những nguyên tắc thể hiện quan điểm lập trường của chính quyền Nga (mà cụ thể là của Tổng thống Putin) đó là không thay đổi lập trường dưới bất kỳ áp lực nào. Nói một cách chính xác hơn chính quyền Nga dù có thay đổi các giải pháp, song họ luôn thể hiện những áp lực (từ Phương Tây và Mỹ) đều chả hề hấn gì tới họ.
Đây chính là đặc trưng để nhận thức về sức mạnh quyền lực. Quyền lực mạnh mẽ không thể uốn cong, nó bất chấp ngoại cảnh. Điều này đã từng được thể hiện trong lịch sử đương đại Nga những năm 2011-2012 khi Nga tự do hóa Luật về bầu cử và các chính đảng. Các cuộc biểu tình đường phố là yếu tố áp lực rõ ràng nhất, nhưng chính quyền Nga đã kịp thời đưa ra thay đổi mang tính chất của cải cách dài hạn.
Trở lại trường hợp Crimea, có thể thấy rõ các chính trị gia Phương Tây đang gây áp lực lên Điện Kremlin, đe dọa, và áp đặt ý chí của mình cho chính quyền Nga. Chính vì vậy, Nga ít nhiều cũng đã không thể độc lập đưa ra các quyết định của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin và giới cầm quyền Nga, năm này qua năm khác gắn liền với hình ảnh một nhà nước có chủ quyền đã không thể chấp nhận sự sắp đặt như vậy. Nga đã không nhượng bộ, và đến lượt mình, Phương Tây buộc phải nhượng bộ Putin, nhằm ít nhiều giữ thể diện.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận mới nhất được Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VCIOM) tiến hành cho thấy uy tín của Tổng thống Putin tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, ở mức 71,6%. Các nhà xã hội học cho biết mấy năm qua, người dân Nga đã thể hiện sự hài lòng với những quyết sách của vị Tổng thống 61 tuổi và chỉ số tín nhiệm ông luôn trên 60%. Chỉ số kỷ lục gần đây nhất là vào tháng 5/2012 với 68,8%, thời điểm ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Putin.
Một điều rất quan trọng là những cử tri truyền thống ủng hộ ông Putin lại không xem việc tăng cường và mở rộng quan hệ với Phương Tây là mục đích hoặc có giá trị. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội Nga thời gian qua cũng gia tăng đáng kể, cùng với sự bùng nổ của các loại hình dịch vụ, hàng hóa lưu thông. Và những đối tượng cử tri này thực sự không hứng thú, thậm chí sợ hãi viễn cảnh bị cô lập, bị ngăn cách với "thế giới bên ngoài" bởi bức màn sắt của một cuộc chiến tranh lạnh và các lệnh trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Putin cho thấy giai cấp tư sản mới không quan tâm mình là cử tri. Và giới tinh hoa cầm quyền hoàn toàn có thể định hướng lại khối cử tri hạt nhân, trong khi các tầng lớp trung lưu cảm nhận có ý thức hệ gần gũi phe đối lập tuy nhiên họ vẫn chưa đủ mạnh để có thể thay đổi quyền lực trong nước.
Có thể nhận thấy ông Putin đang cương quyết khôi phục sự công bằng lịch sử, khôi phục hình ảnh một nước Nga siêu cường. Nếu các nhà lãnh đạo Phương Tây muốn bằng cách nào đó gây áp lực đòi điều chỉnh chính sách của Putin, họ không những cần phải tìm cách thương lượng, mà còn cần phải đánh giá chính xác hơn những thay đổi đã diễn ra trong lòng đời sống cũng như quan điểm chính trị của chính quyền Nga.
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)