Lệnh cấm vận nào gây tổn hại nhất cho Nga?

Một lệnh trừng phạt đối với Nga là điều mà Mỹ và các nước phương Tây đang tính toán để có thể sớm đưa ra, vậy biện pháp nào sẽ tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế và vị thế chính trị của Nga và Moskva sẽ đáp trả ra sao?

Công cụ ngoại giao

Vào thời điểm đầu tháng 3, ý tưởng về một lệnh cấm vận quốc tế chống lại Nga có vẻ như chỉ là một điều chỉ mang tính dự đoán. Nhưng nếu Crimea (Crưm) quyết định sáp nhập vào Nga vào ngày 16/3 tới đây, mối đe dọa bị cô lập quốc tế với Nga có thể trở thành hiện thực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Chúng tôi đang cân nhắc hàng loạt các bước, gồm kinh tế, ngoại giao. Điều này sẽ cô lập Nga và tác động tiêu cực tới nền kinh tế và vị thế của Nga”. Một nguồn tin thân cận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết lệnh cấm vận có thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố lệnh cấm cấp thị thực đối với những cá nhân đe dọa đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine hôm 6/3.


Tuyên bố của giới lãnh đạo Tây Âu có vẻ như bớt gay gắt hơn bởi vì sự phụ thuộc giữa Nga và Tây Âu ở mức độ sâu sắc hơn. Tuy vậy, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết Nga sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục can dự vào tình hình ở Crimea.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga tỏ ra tin tưởng rằng Nga sẽ không phải chịu trừng phạt. Đại sứ Nga tại EU cho biết các lệnh cấm vận quốc tế chỉ có thể được áp đặt bởi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, còn tất cả những tuyên bố trừng phạt khác chỉ được coi là hành động được tiến hành bởi các nước đơn lẻ.

Những giải pháp “mềm mỏng hơn” các nước có thể thực hiện là tẩy chay hội nghị cấp cao G-8 diễn ra tại Sochi và loại Nga ra khỏi câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển này. Mỹ cũng có thể dừng đàm phán hiệp định thương mại song phương với Nga (một thỏa thuận liên quan tới việc thiết lập khu vực tự do thương mại Nga – Mỹ đã được ký kết vào cuối năm 2013). Hiệp định tự do thương mại giúp giảm nhẹ gánh nặng giao thương giữa hai nước nhưng hiện tại việc ký kết thỏa thuận vẫn là một dấu hỏi.

Hợp tác quân sự cũng đã bị cắt đứt. Cả Mỹ và Canada đều tuyên bố chấm dứt hợp tác quân sự với Nga, trong khi Tổng thư ký NATO tuyên bố tổ chức này đã kết thúc mọi liên hệ với Nga.

Tuy nhiên, còn có những lệnh trừng phạt khác nữa có thể gây tổn hại cho Nga nhiều hơn. Charles Tennock, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ nên đóng cửa eo biển Dardanelles với tàu Nga, giống như đã từng thực hiện sau cuộc chiến Nga – Gruzia vào năm 2008. Ông phát biểu: “Ankara nên đóng cửa eo biển không chỉ với tàu chiến Nga mà còn với mọi tàu thương mại muốn cập các hải cảng của Nga ở Biển Đen”. Tennock cho biết ông không nghi ngờ về sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì Ankara cũng có quan ngại về số phận người Tatar ở Crưm, một dân tộc có nguồn gốc lịch sử liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Khủng hoảng ở Ukraine, nước được coi là vựa lúa mì ở châu Âu, đã làm tăng 5% giá lương thực ở Nga trong tháng qua. Thêm vào đó nguy cơ ngừng cung cấp lương thực từ Ukraine cũng là một mối lo ngại khác. Chuyên gia Andrei Kusnetsov thuộc tổ chức Wild Bear Capital giải thích, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Dardanelles khiến thực phẩm không thể cung cấp ra thị trường Nga thì Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng giống như đợt hạn hán năm 2010, khi giá lương thực tăng gấp đôi.

Cộng với đó, “Danh sách Magnistsky” (một đạo luật của Mỹ để trừng phạt các quan chức Nga bị cho là vi phạm nhân quyền) đang được mở rộng, bao gồm cả các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân ở Nga và Ukraine bị Mỹ đánh giá là đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Tennock cũng ủng hộ một động thái quyết liệt để hủy bỏ visa của tất cả quan chức chính phủ Nga.

Cấm vận tài chính


Khả năng về lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chống lại Nga thậm chí còn gây nhiều thiệt hại hơn lệnh cấm về du lịch. Theo Thượng nghị sỹ Mỹ Chris Murphy, Thượng viện đang lên kế hoạch để đưa ra giải pháp cấm vận các ngân hàng Nga, bao gồm việc phong tỏa tài sản của chính phủ và nhà đầu tư tư nhân nước này.

Ông Dmitri Malyishev, người đứng đầu bộ phận phát triển quốc tế và luật thuế tại tập đoàn KCK (Anh) cho biết: “Tài khoản ngân hàng và tài sản của quan chức Nga ở nước ngoài có thể là mục tiêu. Điều có thể dễ dàng thực hiện là tăng thuế và lệ phí với những người Nga đi vay. Một khả năng mang tính cực đoan hơn nhưng khó khả thi là tất cả mọi giao dịch thông qua các ngân hàng Mỹ có thể bị chặn nếu phát sinh từ Nga”.

Đối với khả năng đóng băng các dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga, Pustam Vakhitov, một cộng sự của Công ty tư vấn kế toán và kiểm toán Baker Tilly, cho biết: “Theo lý thuyết, các dự trữ có thể bị phong tỏa. Nhưng đây là một giải pháp cực đoan, khả năng điều này xảy ra là gần như không thể”.

Áp dụng biện pháp như với Iran

Các chính trị gia trong khi tìm kiếm giải pháp cứng rắn vẫn còn một lựa chọn khác: áp dụng lệnh cấm vận tài chính với Nga giống như đã làm với Iran. Công cụ cứng rắn nhất áp dụng với Iran là lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran khiến Tehran đối mặt với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, GDP yếu. Chỉ 2 năm sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu của Iran giảm xuống gần một nửa.

Và hiện tại thì Nga đang xuất khẩu nhiều dầu hơn Iran. Trước khi có lệnh cấm của EU, Iran là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới. Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ 2, xuất khẩu nhiều hơn 3,5 lần sản lượng xuất khẩu ở thời điểm tốt nhất của Iran. Nga cũng là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, trong đó 84% lượng dầu và 76% lượng khí xuất khẩu của Nga là tới EU. Nga đảm nhận 34% lượng dầu nhập khẩu của EU và chiếm 32% thị trường khí đốt EU. Các nước châu Âu hiện phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga nhiều hơn những gì họ đã phụ thuộc vào Iran trước đây. Châu Âu có thể từ bỏ dầu mỏ của Iran nhưng không thể từ bỏ dầu và khí đốt từ Nga.

Hiện tại, Nga vẫn giữ vai trò là nhà cung cấp khí đốt số một cho châu Âu.


Tổng thống Putin hiểu rõ tình huống này. “Người đầu tiên nên nghĩ về hậu quả của lệnh cấm vận là những người nghĩ về việc áp đặt nó”, ông phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước. “Tôi biết rằng trong một thế giới liên kết, chúng ta không thể gây tổn thương lẫn nhau bằng áp đặt lệnh cấm vận bởi vì đó điều đó làm tổn thương lẫn nhau và các nước cần phải lưu ý về điều này”.

Nikita Filin, chuyên gia thuộc Đại học Nhân văn Nga, nghi ngờ về tính khả thi từ những kịch bản cực đoan nhất. “Khả năng một lệnh cấm vận theo kiểu áp dụng cho Iran là vô cùng thấp”. Vấn đề không phải chỉ vì quy mô nền kinh tế nước Nga mà còn vì bài học từ lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lên Iran vẫn chưa thành công nếu nhìn từ góc độ chính trị.

Các biện pháp khác

Lệnh cấm vận không phải cách duy nhất gây tổn thương cho Nga. EU không thể từ bỏ dầu và khí đốt Nga nhưng họ có thể theo đuổi một chiến lược lâu dài để tìm nguồn tài nguyên thay thế. Iran đã mở cửa dưới thời Tổng thống mới đắc cử Hassan Rouhani và nước này có thể là một lựa chọn thay thế cho năng lượng nhập khẩu từ Nga. “Nga đang trở thành đối tác kém hấp dẫn hơn cho châu Âu, trong khi Iran đang trở nên hấp dẫn hơn”, chuyên gia phân tích thị trường khí đốt Đông Âu Mikhail Korchemkin cho biết.

Tăng xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang châu Âu cũng có thể khiến lệnh cấm vận với Nga khả thi hơn. Hiện tại, xuất khẩu khí đốt Mỹ sang châu Âu vẫn bị giới hạn về mặt pháp lý, điều đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ sẵn sàng thay đổi. Nhưng thậm chí ngay cả khi thay đổi được quy định thì cũng cần nhiều thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc xuất khẩu.

Một lựa chọn khác là OPEC sẽ giảm bớt lượng dự trữ khiến cho giá dầu xuống dốc và Saudi Arabia là nước có thể quyết định được điều này. Lần cuối cùng OPEC quyết định cho giá dầu mỏ lao dốc là vào thập niên 1980, khiến cho kinh tế Liên Xô thiệt hại nặng nề. Hiện tại, Saudi Arabia có khả năng và động lực để trừng phạt Nga, phần lớn là vì vai trò hiện tại của Moskva ở Syria.

Đòn trả đũa của Nga

Nga đang tính toán về việc sẽ đáp trả thế nào với các khả năng cấm vận. Cố vấn Tổng thống Putin là Sergei Glazev cho biết nếu lệnh cấm vận chống lại chính phủ Nga được tuyên bố, Điện Kremlin sẽ phải tuyên bố Nga không trả bất kỳ khoản vay nào cho các ngân hàng Mỹ.

Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng trả đũa các hành động trừng phạt đối với Nga.


Các nhà lập pháp Nga cũng đã tuyên bố rằng họ sẵn sàng đưa ra một đạo luật nhằm tịch thu tài sản và tài khoản ngân hàng của các công ty châu Âu và Mỹ trong trường hợp lệnh cấm vận chống lại Nga được áp dụng.

Những báo cáo gần đây về môi trường đầu tư ở Nga đã coi rủi ro chính trị như một lý do không nên đầu tư ở Nga, do vậy lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp Nga đã liên tục kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư là một ưu tiên. Nhưng với những diễn biến mới nảy sinh thì các bản báo cáo về môi trường đầu tư ở Nga sẽ phải bổ sung thêm nguy cơ bị thu hồi tài sản và hàng loạt những rủi ro chính trị khác hoàn toàn không thể dự báo trước được khi hoạt động kinh doanh ở Nga. Tuy nhiên, hiện giờ Nga chắc chắn còn nhiều mối quan tâm hơn là việc phải làm thế nào để trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.


Đức Trung (Theo WorldCrunch)

7 lý do khiến cấm vận Nga trở thành 'lợi bất cập hại' với Mỹ, EU
7 lý do khiến cấm vận Nga trở thành 'lợi bất cập hại' với Mỹ, EU

Bất kì lệnh cấm vận nào nhằm vào Nga liên quan đến phản ứng của Moskva trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều sẽ có ảnh hưởng đến Mỹ và những nước theo đuôi. Có nhiều lý do cho thấy điều này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN