Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Arreaza cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng để bảo vệ mình, chúng tôi sẵn sàng phản ứng. Chúng tôi sẽ không để ai chà đạp lên mảnh đất Venezuela thiêng liêng, chúng tôi sẽ đáp trả và hy vọng điều đó không xảy ra".
Tuyên bố của của Ngoại trưởng Arreaza được đưa ra sau khi Mỹ viện dẫn hiệp ước TIAR với 10 quốc gia Mỹ Latinh và đại diện phe đối lập ở Venezuela để đáp lại cái mà Washington gọi là "hành động hiếu chiến" của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduru. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đề nghị sử dụng TIAR xuất phát từ phe đối lập ở Venezuela, đứng đầu là nhân vật tự phong làm “tổng thống lâm thời” Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn. Tổng thống Donald Trump cũng đã nhắc lại điều này trên mạng Twitter. Mỹ cho biết muốn sử dụng TIAR nhằm đáp lại việc Venezuela triển khai quân đội đến gần biên giới với Colombia, nước mà Tổng thống Maduro đã cáo buộc đang tìm cách "gây xung đột".
Tại Geneva, Ngoại trưởng Arreaza khẳng định "chúng tôi sẽ không bao giờ tấn công một quốc gia anh em, nhân dân chúng tôi sẽ không bao giờ giẫm lên đất đai của nước anh em, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trừ phi để bảo vệ người dân và sự toàn vẹn lãnh thổ".
TIAR là một cơ chế mà Mỹ áp đặt đối với các nước Mỹ Latinh trong thời gian Chiến tranh Lạnh với mục đích hợp pháp hóa các cuộc can thiệp quân sự ở Mỹ Latinh vì lý do ý thức hệ. Chính phủ Venezuela kêu gọi các nước trong khu vực phản đối một cách mạnh mẽ những mối đe dọa đối với hòa bình và toàn vẹn của các dân tộc Mỹ Latinh, đồng thời khẳng định luôn tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, ngoại giao hòa bình và tìm kiếm các giải pháp đối thoại. Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tố cáo đây là một công cụ phục vụ lợi ích của Mỹ và tuyên bố rút nước này khỏi TIAR năm 2012, cùng với Ecuador, Bolivia và Nicaragua. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, thủ lĩnh đối lập Guaido đã kêu gọi đưa nước này quay trở lại hiệp ước.