Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình RT, Phó Tổng thống Rodriguez nêu rõ: "Chính chỉ thị của Chính phủ (Tổng thống Mỹ) Donald Trump rằng sẽ không có đối thoại mà chỉ có chiến tranh đã cản trở (đối thoại)”, đồng thời bà tuyên bố Venezuela chấp nhận đối thoại và phản đối chiến tranh. Bà Rodriguez cáo buộc Washington theo đuổi chính sách "bác bỏ hoàn toàn chính trị và hệ tư tưởng" của Venezuela cũng như mô hình chủ nghĩa xã hội Bolivar.
Theo Phó Tổng thống Rodriguez, Washington đã chỉ thị phe đối lập Venezuela không ký một thỏa thuận với chính phủ hồi tháng 12/2017 về ngày diễn ra bầu cử tổng thống. Kể từ khi đàm phán sụp đổ, chính phủ cáo buộc phe đối lập chưa bao giờ có ý định ký thỏa thuận. Bà cũng bác bỏ tuyên bố cho rằng Venezuela đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo, cho rằng đây là một "lời nói dối" nhằm viện cớ can thiệp vào quốc gia Nam Mỹ này. Trước đó ngày 3/2 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Tổng thống Trump tuyên bố để ngỏ khả năng Mỹ can thiệp quân sự tại Venezuela.
Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi người đứng đầu Quốc hội hiện do phe đối lập kiểm soát, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido, tự phong là "tổng thống lâm thời" của quốc gia Nam Mỹ này và sau đó đã được Mỹ và nhiều nước ở Mỹ Latinh và châu Âu công nhận. Hành động này của ông Guaido đã bị chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro lên án mạnh mẽ và coi đó là một phần trong âm mưu đảo chính do Mỹ phát động.
Hiện khoảng 20 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã cùng với Mỹ công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời, đồng thời gây sức ép yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới. Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 9/2, các nhà ngoại giao cho biết Mỹ đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) chính thức kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống ở Venezuala một cách công bằng, tự do và đáng tin cậy với sự tham gia của các nhà quan sát quốc tế. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ khiến Nga đề xuất một dự thảo nghị quyết đối lập.
Trước đó ngày 8/2, 15 thành viên của HĐBA LHQ đã có cuộc gặp riêng nhằm thảo luận về dự thảo nghị quyết của Mỹ. Tuy nhiên, Nga, quốc gia cáo buộc Washington hậu thuẫn cho một nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền ở Venezuela, đề xuất một dự thảo phản đối, bày tỏ quan ngại đối với những nỗ lực nhằm can thiệp vào những vấn đề chủ yếu thuộc thẩm quyền trong nước và mối đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị" của Venezuela.
Cùng ngày 9/2, Đại sứ Nga tại Brazil Sergey Akopov bày tỏ hy vọng Brazil sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Nhân dịp Ngày ngành Ngoại giao Nga 10/2, Đại sứ Akopov nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng các nguyên tắc cơ bản truyền thống mà ngành ngoại giao Brazil theo đuổi nhiều thập kỷ qua, cụ thể là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác, không sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương trái phép về kinh tế hay các biện pháp trừng phạt khác của HĐBA LHQ đối với các nước có chủ quyền”. Theo Đại sứ Akopov, Nga đang nỗ lực giải thích lập trường của mình với Brasilia về cuộc khủng hoảng tại Venezuela.