Khi mà quan hệ Nga – Phương Tây xấu đi, có một nước hưởng lợi từ xu thế này, đó là Belarus. Tổng thống Alexander Lukashenko - người bị Mỹ và Liên minh châu Âu gọi là “Kẻ độc tài cuối cùng” của châu Âu, đang thể hiện vai trò trung gian thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình cho Ukraine. Còn Belarus với quy mô dân số 10 triệu dân thì lại bất ngờ thu được mớn lợi lớn, chỉ bằng việc tái chế và đóng gói đơn giản các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc châu Âu bị Moskva cấm vận.
Xuất khẩu thực phẩm sang Nga từ lâu đã là nguồn thu ngoại tệ lớn đối với Belarus, đạt 5,7 tỉ USD trong năm 2013. Năm nay, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng việc tăng giá các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ châu Âu đã mang lại cơ hội bất ngờ mà Belarus không thể bỏ lỡ. “Ông Lukashenko hy vọng biến Belarus thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, nhằm mục đích thu lợi từ hai phía. Ông ấy rất yêu thích câu ngạn ngữ: Thân thiện với mọi người thì được mọi người giúp đỡ và che chở”, Alexander Klaskovsky, chuyên gia phân tích độc lập ở Minsk bình luận.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (phải) gặp đồng cấp người Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev hôm 21/12. Ảnh: AP |
Với quan hệ gần gũi với cả Ukraine và Nga, Belarus đã trở thành mảnh đất trung gian cho các cuộc đàm phán về bất ổn ở miền Đông Ukraine hồi tháng 9 vừa qua. Cả Nga và phương Tây đều muốn Minsk tiếp tục đóng vai trò là nước chủ nhà cho các vòng đàm phán tiếp theo.
Khi mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi lên là “cái gai trong mắt” phương Tây, ông Lukashenko không còn là mục tiêu chỉ trích của Washington và Brussels. Nhà lãnh đạo Belarus đã biết tận dụng ưu thế đó. Chính quyền Minsk đang mở các cuộc thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về các khoản vay mới và các bộ trưởng kinh tế của nước này thì cũng mới hiện diện ở London, tham dự cuộc hội thảo thu hút đầu tư nước ngoài vào Belarus.
Yaroslav Romanchuk, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mises ở Minsk bình luận: “Lukashenko nhận ra rằng, sự trợ cấp của Kremlin sẽ giảm sút nhiều do kinh tế Nga gặp khó khăn, vì thế ông ấy phải hướng đến các nguồn tài chính khác”. Nắm quyền lãnh đạo gần 2 thập kỉ, ông Lukashenko hy vọng sẽ lại thắng cử trong cuộc bầu cử tháng 11/2015, và Belarus thì rất cần tiền mặt. Năm sau, Belarus phải trả nợ nước ngoài 4 tỉ USD, một số tiền khá lớn khi mà dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ đạt 5,8 tỉ USD. Về phần mình, IMF vẫn kiên định các điều kiện giải ngân, ép buộc Belarus phải thực hiện nhiều cải cách, nổi bật là tự do hóa kinh tế và tư nhân hóa các tài sản nhà nước, điều mà ông Lukashenko khó chấp nhận.
Ngay cả khi Minsk mở lời với phương Tây, thì Nga – nước cung cấp vốn vay cùng với nguồn năng lượng giá rẻ, sẽ vẫn là người bảo trợ lớn cho ông Lukashenko. Dù có bực dọc trước việc Belarus hưởng lợi từ các lệnh cấm vận, thì Moskva vẫn cần duy trì một đồng minh chính trị, quân sự với Minsk. Đầu năm nay, Nga, Belarus và Kazakhstan đã kí hiệp định thiết lập Liên minh kinh tế Á-Âu trên cơ sở Liên minh Hải quan, một dự án được cho là nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong không gian hậu Xô Viết. Bản kế hoạch này cũng hướng đến việc hội nhập các hệ thống tài chính, định hình các chính sách chung về công nghiệp, nông nghiệp cùng với các kết nối về thị trường lao động và mạng lưới giao thông.
Tuy nhiên, dự án đầy tham vọng này đã gặp phải trở ngại thời gian gần đây, với việc Nga đẩy mạnh các hoạt động chống buôn lậu qua địa bàn trung gian Belarus.
Theo Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga, một số công ty của Belarus đã nhập khẩu thịt từ và các sản phẩm khác từ châu Âu sau đó tái chế biến; một số khác thì chỉ tái đóng gói để thay đổi nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu. Sau khi phát hiện một số vụ buôn lậu thịt, rau quả từ châu Âu sang Nga qua Belarus, Nga đã trả đũa bằng việc áp lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm thịt của nước láng giềng.
Ông Lukashenko phủ nhận những cáo buộc này. Ông thừa nhận Belarus đã tăng cường nhập khẩu nông sản từ châu Âu để tái chế biến và sau đó xuất sang Nga, nhưng nói rằng đó là hành động hợp pháp, phù hợp với các quy định của Liên minh Hải quan. Cũng kể từ đây, người ta bắt đầu cảm nhận được sự rạn nứt giữa Minsk và Moskva, khi ông Lukashenko “đòi” Nga phải xem xét lại cách hành xử của mình. Phát biều trong phiên họp gần đây của Hội đồng an ninh Quốc gia mới đây, Tổng thống Belarus nói rằng “Các anh không gây sức ép được với chúng tôi. Chúng ta đã và sẽ là những người bạn đáng tin của nhau, nhưng nếu anh cố làm hại tôi, thì tôi đâu thể bỏ qua”.
Hoài Thanh (
Theo Economictimes)