Vấn đề 'khúc mắc' trong đàm phán thương mại Mỹ - EU

Ủy viên phụ trách về thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom vừa nhận định các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU đã đạt được tiến triển, song Washington cần phải ra quyết định có muốn đàm phán với Brussels về việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu hay không.

Chú thích ảnh
Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng trước, các quốc gia châu Âu đã làm rõ việc khởi động đàm phán thương mại chính thức với Mỹ nhằm vào hai mục tiêu chính: giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp và tạo thuận lợi cho các công ty trong quá trình xác nhận sản phẩm của họ đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ hoặc của châu Âu.

Tuy nhiên, bà Malmstrom thừa nhận hai bên vẫn bất đồng về vấn đề giảm thuế, khi Mỹ muốn đưa nông sản vào danh sách csatws giảm thuế, trong khi EU lại phản đối vấn đề này. Lâu nay, Washington luôn khăng khăng yêu cầu các cuộc đàm phán phải bao gồm các mặt hàng nông sản. Do đó, việc EU loại trừ lĩnh vực nông nghiệp ra khỏi các cuộc đàm phán đã dẫn tới bất đồng giữa khối liên minh gồm 28 thành viên này và Mỹ.

Cùng ngày 27/5, các bộ trưởng thương mại EU còn thảo luận về một vấn đề khác liên quan đến quan hệ căng thẳng với Mỹ. Đó là sự ngăn chặn của Washington đối với quá trình bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Cơ quan Phúc thẩm (AB) thuộc Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vấn đề đang làm các vụ kiện tại WTO bị đình đốn.

Mới đây, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Canada cảnh báo, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục cản trở việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho DSB, thì đến ngày 10/12 tới, tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này sẽ không có đủ thẩm phán để giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã gia tăng vào năm ngoái sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế thép và nhôm đối với các nước châu Âu và một loạt các đối tác thương mại thân thiết khác.

EU sau đó đã tiến hành các biện pháp trả đũa, nhắm vào các sản phẩm của một số bang nhạy cảm về chính trị của Mỹ như xe máy Harley Davidson của bang Wisconsin và rượu whisky ngô của bang Kentucky. Hai bên đã đồng ý giảm căng thẳng vào mùa Hè năm ngoái, cam kết không áp mức thuế mới trong khi tiếp tục các cuộc đàm phán để hướng tới một thỏa thuận thương mại.

Trà My/TTXVN (Tổng hợp)
Dấu hiệu cải thiện quan hệ Mỹ - EU
Dấu hiệu cải thiện quan hệ Mỹ - EU

Ngày 4/3, Mỹ tuyên bố đã khôi phục quy chế ngoại giao của phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) tại Washington về mức như trước đây và gọi liên minh này là một trong những "đối tác giá trị nhất" của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN