Đây là tuyên bố của Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đưa ra ngày 13/3 sau khi dự thảo thoả thuận Brexit sửa đổi lần thứ hai của Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục thất bại tại Hạ viện nước này.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP), ông Barnier nêu rõ nước Anh có trách nhiệm nói rõ lựa chọn của mình, quan điểm về mối quan hệ tương lai với EU trước khi EU đưa ra quyết định về việc gia hạn tiến trình đàm phán Brexit trong bối cảnh hạn chót 29/3 tới gần. Ông cho rằng sau cuộc bỏ phiếu bất thành tại Hạ viện mới nhất, Chính phủ Anh sẽ phải trình bày về cách thức triển khai tiến trình này, và EU chờ câu trả lời từ phía London trước khi đưa ra quyết định trên. Ông nhấn mạnh Anh cần phải làm rõ lý do, mục đích kéo dài tiến trình đàm phán Brexit bởi tiến trình đàm phán đã kết thúc với việc hai bên đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, quan chức Brussel cũng nhấn mạnh: "Nếu Anh vẫn muốn rời EU một cách có trật tự, thì thỏa thuận này đang và vẫn sẽ là thỏa thuận khả thi duy nhất". Ông khẳng định EU đã sẵn sàng với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.
Các quan chức EU đã từng đề cập đến về việc Anh có thể yêu cầu kéo dài tiến trình đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit một cách trật tự. Tuy nhiên, nếu nước Anh vẫn là thành viên của EU vào thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử EP vào ngày 23/5 tới , thì London phải cho phép công dân nước này thực hiện quyền bỏ phiếu, và điều này sẽ làm phức tạp triển vọng trì hoãn Brexit.
Cùng ngày, giới chức Đức đã có phản ứng sau khi Hạ viện Anh lần thứ hai bác thỏa thuận Brexit sửa đổi. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier hy vọng các nghị sĩ Anh sẽ bỏ phiếu phản đối việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hay còn gọi là "Brexit cứng", trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện dự kiến đêm 13 rạng sáng 14/3 (giờ Việt Nam). Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh rằng việc bác bỏ Brexit không có thỏa thuận sẽ kết nối hàng triệu người dân ở Anh và ở cả châu Âu.
Trong khi đó, phát biểu trên Đài Phát thanh Deutschlandfunk của Đức, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cũng cho rằng Anh cần phải nói với EU về quan điểm và tất cả những gì họ muốn hay không muốn từ thỏa thuận cho việc Anh rời khỏi EU.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo về khả năng cao xảy ra viễn cảnh "Brexit cứng" sau khi Hạ viện Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit giữa Thủ tướng May và giới lãnh đạo EU. Mặc dù nói rằng Đức đã chuẩn bị cho các tình huống tồi tệ nhất có thể, song Ngoại trưởng Maas vẫn bày tỏ hy vọng Anh có thể tránh một kịch bản rời EU mà "không có trật tự" trong 17 ngày tới. Quan chức này cũng cho rằng cả Anh và EU hiện tại cần tập trung vào việc xác định mối quan hệ tương lai hậu Brexit. Ông cũng cho biết trong trường hợp kéo dài thời điểm thực thi Brexit quá đầu tháng 6 tới thì Anh vẫn sẽ phải tham gia các cuộc bầu cử EP theo lịch trình.
Trước đó, cùng ngày, với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã lần thứ hai bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với EU. Hiện đang có rất nhiều kịch bản được đặt ra sau diễn biến mới nhất trên. Dự kiến, ngay trong ngày 13/3, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu để về việc rời khỏi "mái nhà chung" EU mà không có thỏa thuận. Mặc dù Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố để các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ tự do lựa chọn nhưng gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ phương án "không thỏa thuận", bởi chính cơ quan này đã bỏ phiếu phản đối phương án này hồi cuối tháng 1 vừa qua. Do đó, giới phân tích nhận định nhiều khả năng các nghị sĩ sẽ lại bỏ phiếu lựa chọn việc rời EU mà có thỏa thuận trong ngày 13/3. Điều này lại dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tiếp theo, vào ngày 14/3, là liệu nước Anh có muốn gia hạn thời điểm thực thi Brexit, dự kiến vào ngày 29/3 hay không. Nếu kết quả là "Không", nước Anh sẽ quay lại phương án rời EU mà không có thỏa thuận.
Nếu "Có", Chính phủ của Thủ tướng May sẽ phải đề xuất với EU về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Đây là kịch bản được giới chuyên gia nhận định là khả thi nhất song cũng kéo theo nguy cơ những bế tắc xoay quanh tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài.