Theo CNN, kết quả bỏ phiếu lần này buộc các nhà lập pháp Anh trong những ngày tới phải quyết định lựa chọn ủng hộ kịch bản Brexit không thỏa thuận hoặc trì hoãn thời hạn 29/3 rời Liên minh châu Âu (EU) và một số khả năng khác.
Liệu Brexit có “biến mất” ?
Kênh CNN (Mỹ) cho biết điều này khó xảy ra. Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3, trừ khi nước này quyết định mở rộng Điều khoản 50. Bỏ phiếu về viễn cảnh này sẽ diễn ra tại nghị viện vào ngày 14/3.
Điều xảy ra tiếp theo
Thủ tướng May có thể cố gắng lần thứ 3 đề nghị Hạ viện bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit với hy vọng rằng những thành viên chỉ trích thỏa thuận này trong đảng Bảo thủ của bà sẽ thay đổi quan điểm vào phút chót.
Vào ngày 13/3 (giờ địa phương), Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu về kịch bản Brexit không thỏa thuận. Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết kịch bản này có thể dẫn đến khủng hoảng.
Nếu Hạ viện Anh từ chối kịch bản Brexit không thỏa thuận thì đến ngày 14/3 các nghị sĩ sẽ tiếp tục bỏ phiếu lần nữa. Cuộc bỏ phiếu này xoay quanh vấn đề liệu có nên trì hoãn thời hạn của Brexit là 29/3 để tạo thêm điều kiện cho đàm phán.
Nhưng theo Reuters, cả Thủ tướng May và EU đều không muốn có thêm thay đổi với Brexit vốn trải qua 2 năm rưỡi ròng rã đàm phán.
Điều này tác động gì đến Thủ tướng May?
Việc Hạ viện 2 lần bác bỏ chính sách ưu tiên của chính phủ đương nhiệm là điều chưa từng có tiền lệ với một Thủ tướng Anh. Từng có nghi ngờ cho rằng bà May thậm chí có thể từ chức nếu thất bại một lần nữa.
Tuy nhiên, CNN cho rằng điều này khó xảy ra và Thủ tướng May đã chứng tỏ là một chính khách bản lĩnh. Ngoài ra, việc đột nhiên bỏ trống chiếc ghế Thủ tướng lãnh đạo Anh trong thời điểm này sẽ mang đến bất ổn.
Liệu có cuộc trưng cầu dân ý thứ hai?
Tờ Guardian (Anh) cho biết nhiều thành viên cấp cao trong đảng Bảo thủ đã đề xuất về cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai. Tuy nhiên, thời gian không có nhiều cho việc tổ chức sự kiện này trước 29/3.
Thậm chí nếu EU chấp nhận cho Thủ tướng May mở rộng Điều khoản 50 thì thời gian cho việc tổ chức trưng cầu dân ý thứ hai vẫn khá ngặt nghèo. Thông thường, trước khi tổ chức trưng cầu, Hạ viện Anh cần đạt được thỏa thuận câu hỏi đưa ra là gì đồng thời thông qua điều lệ mới.
Giới chuyên gia nhận định, thời điểm này, có lẽ không nên loại trừ bất kỳ kịch bản nào.
Trước đó, Hạ Viện Anh ngày 12/3 đã bỏ phiếu bác lại dự thảo thoả thuận Brexit sửa đổi lần thứ hai của Thủ tướng Theresa May với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, giới phân tích đã nhận định Thủ tướng May sẽ cần đến một “phép màu chính trị” mới có thể đảo ngược được tình hình, sau thất bại lịch sử với chênh lệch 230 phiếu khi đưa thỏa thuận ra thông qua lần đầu vào tháng 1 vừa qua. Nhiều người hy vọng những nhượng bộ vào phút chót mà Thủ tướng May giành được từ EU sẽ thuyết phục được các nghị sỹ của nước này đổi ý, nhưng cuối cùng thì phép màu đã không xảy ra.
Những người phản đối Thỏa thuận Brexit cho rằng các nhượng bộ từ phía châu Âu vẫn không làm thay đổi nguy cơ khiến Anh bị ràng buộc vô thời hạn vào EU thông qua kế hoạch dự phòng về biên giới Ireland.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là tỷ lệ chênh lệch đa số phiếu trong lần này đã được rút ngắn lại từ 230 phiếu xuống còn 149 phiếu. Nguyên nhân là do một số nghị sỹ của đảng Bảo thủ, những người đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận vào tháng 1 vừa qua, đã thay đổi quan điểm để quay sang ủng hộ bà May do lo ngại rằng Brexit có thể sẽ bị trì hoãn hoặc bị bãi bỏ nếu họ không ủng hộ thỏa thuận này.