Trao đổi với phóng viên tờ Telegraph (Anh), Giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner thuộc Đại học Oxford cho biết đây là cuộc đua chống lại thời gian và chống lại cả việc virus biến mất. “Chúng tôi trước đây có nói nắm chắc khoảng 80% cơ hội có được vắc-xin hiệu quả vào tháng 9 năm nay. nhưng ở thời điểm hiện nay, kịch bản chúng tôi không đạt được kết quả nào là 50%”, ông chia sẻ.
Theo ông, nhóm nghiên cứu kỳ vọng có khoảng 50 trong tổng số 10.000 người tình nguyên tham gia thử nghiệm lâm sàng trong tuần tới nhiễm virus. Nếu số ca dương tính ít hơn 20, kết quả sẽ trở nên vô nghĩa.
Loại vắc-xin có tên AZD1222 được Đại học Oxford nghiên cứu và cấp phép sản xuất cho tập đoàn dược AstraZeneca. Chính phủ Anh đã đồng ý chi trả kinh phí để mua khoảng 100 triệu liều vắc-xin, cho biết thêm có khoảng 30 triệu liều sẵn sàng được AstraZeneca cung cấp vào tháng 9.
Tỉ lệ lây nhiễm mới tại Anh đã giảm tới 2/3 kể từ mức đỉnh ghi nhận hôm 10/4 với 9.000 ca nhiễm trong ngày.
AZD1222 được xem là mẫu vắc-xin triển vọng hàng đầu trong cuộc đua trên toàn cầu hiện nay, với khoảng 100 mẫu đã và đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng. Tập đoàn AstraZeneca trước đó tuyên bố sẽ cung cấp ra thị trường 400 triệu liều vắc-xin vào tháng 9, với hai nước nhận được đầu tiên là Anh và Mỹ.
Ngày 22/5, Chính quyền Mỹ cho biết dự định đầu tư 1,2 tỷ USD để hỗ trợ hãng AstraZeneca đẩy nhanh phát triển vắc-xin trị COVID-19, đổi lại AstraZeneca cung cấp 300 triệu liều vắc-xin cho nước Mỹ. "Thỏa thuận với AstraZeneca là cột mốc trong chiến dịch của chính phủ nhằm đảm bảo nguồn cung vắc-xin an toàn và hiệu quả vào năm 2021", Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar nói.