Phát biểu trên đài BBC, ông Peter Horby, Chủ tịch Ủy ban cố vấn về các nguy cơ từ virus gây bệnh hô hấp (NERVTAG) của Chính phủ Anh, đánh giá số ca nhập viện điều trị vì mắc COVID-19 tại Anh hiện nay đã giảm nhiều. Trả lời câu hỏi rằng có đủ dữ liệu để khẳng định việc tiêm phòng đã giúp "bẻ gãy" mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm virus và tình trạng bệnh nặng, tử vong hay không, ông Horby cho rằng việc tiêm phòng chắc chắn đã làm suy yếu mối liên hệ này.
Chủ tịch NERVTAG nhấn mạnh rõ ràng tỷ lệ mắc mới đang tăng nhưng số ca nhập viện điều trị lại ở mức thấp hơn rất nhiều, phản ánh mối liên hệ trên đã thực sự bị suy yếu đáng kể. Dù coi đây là một tín hiệu tuyệt vời nhưng ông Horby vẫn thận trọng cho biết mối liên hệ đó chưa bị bẻ gãy hoàn toàn.
Theo dữ liệu chính thức, nhờ chương trình tiêm chủng đại trà được triển khai nhanh chóng, đến nay hơn 80% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một mũi, với 60% người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi.
Theo ông Horby, với thành quả tiêm chủng kể trên, nếu kết hợp với các biện pháp hạn chế biên giới nghiêm ngặt kịp thời, Anh vẫn có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn làn sóng lây nhiễm biến thể Delta hiện tại. Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia luôn phải đứng trước những quyết định khó khăn vì việc áp dụng biện pháp hạn chế hoàn toàn để ngăn chặn virus xâm nhập đồng nghĩa với việc phải đánh đổi nhiều hậu quả khác.
Hiện Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng có thể dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế từ ngày 19/7 tới sau khi phải tạm dừng mọi động thái tiếp tục nới lỏng trong tháng này vì số ca mắc mới tăng, chủ yếu do biến thể virus SARS-CoV-2 có tên gọi là Delta. Ngày 26/6, Anh ghi nhận 18.270 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 5/2, và 23 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính chung, Anh vẫn là quốc gia thuộc nhóm có tổng số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 128.000 ca.