Vaccine CoviVac của Nga đạt hiệu quả phòng bệnh tới hơn 80%

Ngày 2/6, Trung tâm Chumakov của Nga cho biết vaccine CoviVac - loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga, đạt hiệu quả phòng bệnh tới hơn 80%.

Chú thích ảnh
Vaccine thứ hai ngừa bệnh COVID-19 của Nga EpiVacCorona được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: TASS/TTXVN

Cũng theo thông báo, năng lực sản xuất vaccine CoviVac của Trung tâm Chumakov cao hơn gấp 6 lần so với kế hoạch sản xuất 10 triệu liều vaccine công bố trước đó.

Trước đó, ngày 25/3, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga thông báo Trung tâm Chumakov đã chính thức sản xuất vaccine CoviVac dù chế phẩm này vẫn trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. Vaccine CoviVac được bào chế ở dạng dung dịch để tiêm bắp.

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Chumakov, mức độ kháng thể ở các tình nguyện viên sau khi tiêm CoviVac được đánh giá tốt. Trung tâm dự kiến sẽ nộp hồ sơ đăng ký lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào mùa Thu năm nay.

CoviVac vừa được cấp phép vào tháng 2/2021, trở thành vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga được "bật đèn xanh" và sẽ được chuyển đến các vùng lãnh thổ của Nga trong thời gian tới. Trước đó, Nga đã có hai loại vaccine được lưu hành là Sputnik-V và EpiVacCorona.

Cùng ngày, Cơ quan Y tế và Sinh học liên bang Nga (FMBA) thông báo Bộ Y tế Nga đã đăng ký thuốc Leytragin dạng hít để sử dụng trong phòng ngừa và điều trị viêm phổi ở bệnh nhân mắc COVID-19. 

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, FMBA cho biết thuốc Leitragin, do cơ quan này phát triển, đã được Bộ Y tế Nga đăng ký vào ngày 25/5 vừa qua. Leitragin được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị viêm phổi do biến chứng của bệnh COVID-19. Hiện thuốc này đang bắt đầu được sản xuất hàng loạt. 

Trước đó, các kết quả nghiên cứu lâm sàng trên 320 bệnh nhân mắc COVID-19 thể trung bình cho thấy trong số những người dùng thuốc không có trường hợp nào tử vong hoặc chuyển biến nặng hơn. Thời gian phục hồi ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Leutragin giảm xuống còn 8 ngày so với 14 ngày đối với những bệnh nhân điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn.

* Ngày 2/6, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết sẽ giảm 50% liều lượng của mỗi liều vaccine ngừa COVID-19, từ 100 microgram xuống còn 50 microgram trong phiên bản mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho trẻ nhỏ cũng như ứng phó với một số biến thể mới đang lây lan hiện nay.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Moderna vừa đạt được thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất Lonza có trụ sở tại Thụy Sĩ. Theo Lonza, một dây chuyền sản xuất mới của hãng này tại Geleen (Hà Lan) có năng lực sản xuất lên tới 300 triệu liều vaccine loại 50 microgram mỗi năm. Như vậy, cùng với thỏa thuận trước đó giữa Moderna và hãng dược Rovi của Tây Ban Nha, sản lượng vaccine liều lượng 50 microgram có thể đạt tới 600 triệu liều mỗi năm. 

Việc giảm liều lượng vaccine được cho sẽ giúp Moderna đa dạng hóa các sản phẩm vaccine của mình trên thị trường. Theo Moderna, phiên bản vaccine liều thấp này sẽ giúp chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành hiện nay và phục vụ việc tiêm chủng cho trẻ em vốn không cần thiết sử dụng vaccine liều cao.   

Moderna đặt mục tiêu cung cấp lên đến 3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2022 và tăng từ 800 triệu lên 1 tỷ liều trong năm nay.

Tất Đạt - Duy Trinh (TTXVN)
 Campuchia ghi nhận số ca mắc tăng trở lại
Campuchia ghi nhận số ca mắc tăng trở lại

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia trưa 2/6 thông báo số ca mắc COVID-19 mới ở nước này, luôn giữ ở mức tăng trên dưới 500 ca/ngày trong những tuần gần đây, đã tăng trở lại thêm 750 ca trong 24 giờ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN