Khoản viện trợ này nhằm triển khai các nỗ lực nhân đạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ khoảng 1,7 triệu người ở Dải Gaza bị ảnh hưởng do xung đột và hơn 200.000 người ở Bờ Tây, trong đó có cả Đông Jerusalem. Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình, cho biết thiệt hại do xung đột tại Gaza ở quy mô lớn trong khi bạo lực đang gia tăng ở Bờ Tây. Theo ông Lazzarini, điều quan trọng là phải giúp UNRWA cung cấp hỗ trợ nhân đạo và phát triển trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Tại Gaza, nơi cộng đồng phụ thuộc nhiều vào viện trợ, UNRWA đóng vai trò là hệ thống hỗ trợ quan trọng. Cơ quan này sắp xếp nơi tạm trú cho hơn 1 triệu người, phân phối thực phẩm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và giám sát hậu cần để cung cấp viện trợ. Sau 200 ngày xảy ra xung đột Hamas-Israel, ưu tiên hiện nay là cung cấp viện trợ, trong đó có cả thực phẩm, vào Gaza.
Cùng ngày, Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của LHQ, bà Sigrid Kaag đã kêu gọi thay đổi mô hình viện trợ để đáp ứng nhu cầu to lớn của dân thường. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, bà nhấn mạnh điều này đòi hỏi mở rộng quy mô hơn nữa về chất lượng cũng như số lượng hỗ trợ và phân phối; thực hiện những biện pháp không thể đảo ngược để đảm bảo việc vận chuyển an toàn và không bị cản trở bên trong Gaza; và lập kế hoạch cũng như chuẩn bị kịp thời để sớm phục hồi và tái thiết.
Tuy nhiên, bà Kaag khẳng định việc giảm xung đột hiệu quả và đáng tin cậy là điều quan trọng đối với tất cả các nhà hoạt động nhân đạo ở Gaza. Do đó, bà nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của LHQ về hậu quả của chiến dịch tấn công mà Israel dự kiến thực hiện ở Rafah. Bà Kaag nhấn mạnh hành động như vậy sẽ càng làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo đang xảy ra, gây hậu quả cho những người đã phải di dời và phải chịu đựng những khó khăn và đau khổ. Theo đó, khả năng cung cấp viện trợ của LHQ cũng sẽ bị hạn chế.
Theo cơ quan y tế tại Gaza, kể từ khi xảy ra xung đột Hamas-Israel hồi tháng 10/2023 đến nay, hơn 34.000 người đã thiệt mạng. Bà Kaag cho biết thêm sinh kế, nhà cửa, trường học và bệnh viện ở đây cũng đã bị phá hủy. Một số bệnh viện đang phải nỗ lực để hoạt động do thiếu nguồn cung trầm trọng và mất điện thường xuyên. Bà Kaag cảnh báo khi mùa Hè đến gần và nhiệt độ tăng cao, các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xảy ra ở Gaza. Sự khan hiếm thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng có nguy cơ dẫn đến mất trật tự xã hội.
Liên quan đến dư luận về tình hình tại Dải Gaza, để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Palestine, sinh viên nhiều trường đại học ở Mỹ đã tiếp tục tham gia biểu tình trong ngày 24/4 khiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia thiết lập trật tự.
Hoạt động biểu tình bắt đầu tại Đại học Columbia ở New York, nơi nhà chức trách đã thực hiện hàng chục vụ bắt giữ hồi tuần trước sau khi giới chức trường đại học đã phải gọi cảnh sát để chấm dứt một hoạt động mà các sinh viên Do Thái cho rằng mang tính đe dọa và bài Do Thái. Tối 22/4 vừa qua, nhà chức trách cũng đã bắt giữ hơn 130 người trong cuộc biểu tình tại Đại học New York. Cảnh sát cũng bắt giữ 9 người tại một khu cắm trại ở Đại học Minnesota. Ngày 24/4, biểu tình tiếp tục xảy ra tại Đại học Nam California và ở Texas, nơi xảy ra đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát chống bạo động khiến hơn 20 người bị bắt giữ.
Sinh viên cũng đã kêu gọi biểu tình tại các trường khác bao gồm Yale, MIT, UC Berkeley, Đại học Michigan và Đại học Brown. Đại học Bách khoa bang California đã chuyển sang học trực tuyến và hủy bỏ các hoạt động khác sau khi người biểu tình lập rào chắn trong khuôn viên trường.
Chủ tịch Hạ viện Johnson cho biết nếu các cuộc biểu tình không nhanh chóng được ngăn chặn thì Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ được huy động. Theo hãng tin NBC, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang phối hợp với các trường đại học nhằm ngăn chặn các mối đe dọa bài Do Thái và bạo lực có thể xảy ra liên quan đến làn sóng biểu tình đang diễn ra.