Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Giám đốc Điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: "Lịch sử cho thấy khi mức độ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em cao. kết hợp với sự bùng phát của các bệnh dịch chết người như tả hoặc tiêu chảy, tỷ lệ tử vong ở trẻ em sẽ tăng đột ngột và thảm khốc. Và khi nước không có sẵn hoặc không an toàn, rủi ro đối với trẻ em sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân".
UNICEF cung cấp số liệu cho thấy số người bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Ethiopia, Kenya và Somalia không được tiếp cận với nước sạch đã tăng từ 9,5 triệu người trong tháng 2 lên 16,2 triệu người vào tháng 7, khiến trẻ em và gia đình của mình có nguy cơ cao mắc các bệnh như dịch tả và tiêu chảy. Ngoài ra, UNICEF cho biết khoảng 40 triệu trẻ em phải đối mặt với mức độ dễ bị tổn thương về nước từ mức cao đến cực kỳ cao ở Burkina Faso, Chad, Mali, Niger và Nigeria. Ở những nơi này, hạn hán, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân của tình trạng mất an ninh nguồn nước.
Hơn 2,8 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel vốn đã bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, tức là các em có nguy cơ tử vong do các bệnh lây truyền qua đường nước cao gấp 11 lần so với những trẻ em được nuôi dưỡng tốt.
Tại Somalia, dịch tiêu chảy cấp tính và dịch tả đã được ghi nhận ở hầu hết các huyện bị ảnh hưởng bởi hạn hán, với 8.200 ca từ tháng 1 - 6, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết người dân ở vùng Sừng châu Phi sống dựa vào nước do những người bán hàng giao trên xe tải hoặc xe lừa. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán, nhiều gia đình đã không còn đủ khả năng để mua nước.
UNICEF cho biết lời kêu gọi cải thiện khả năng phục hồi lâu dài của các gia đình ở khu vực Sừng châu Phi và ngăn chặn hạn hán tàn phá cuộc sống trong nhiều năm tới hiện chỉ nhận được tài trợ 3% so với nhu cầu. Trong số này, hầu như không có khoản tiền nào được nhận cho phần dành cho nước, vệ sinh và khả năng chống chịu với khí hậu. Theo bà Catherine Russell, cách duy nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này là các chính phủ, các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế tăng cường tài trợ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của trẻ em và cung cấp hỗ trợ linh hoạt lâu dài để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng.