Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài 3: Mối nguy cho an ninh năng lượng toàn cầu

Các cuộc tấn công vào tàu thương mại đi qua Biển Đỏ kể từ tháng 11/2023 của lực lượng Houthi không chỉ báo động về tình trạng bất ổn địa chính trị leo thang tại Trung Đông sau khi xảy ra xung đột Hamas - Israel, mà còn khiến thị trường dầu mỏ nóng lên và đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tàu thương mại của Anh bị trúng tên lửa của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Ảnh: IRNA/TTXVN

Những tác động dần được cảm nhận

Trong năm 2023, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng nên lượng dầu vận chuyển không cao, khiến những thiếu hụt về số lượng tàu chở dầu chưa được bộc lộ. Đồng thời, quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng diễn ra mạnh mẽ, có nghĩa là một tương lai nhiên liệu hóa thạch bị loại bỏ đang đến gần, làm mờ triển vọng của ngành dầu khí trong dài hạn. Nhưng kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ nhiều chủ tàu buộc phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế dài hơn. Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu năng lực vận chuyển mới trở nên rõ nét hơn, làm tăng giá cước vận tải và thời gian hành trình kéo dài hơn.

Biển Đỏ được nối với Địa Trung Hải bởi kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, đồng thời được kết nối với Vịnh Aden bằng eo biển Bab al-Mandab giữa Yemen và Djibouti. Kênh đào Suez và eo biển Bab el-Mandeb là những tuyến đường vận chuyển năng lượng chính của thế giới. Các tàu chở dầu từ các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư, như Iraq và Saudi Arabia, đều đi qua Biển Đỏ để đến châu Âu và xa hơn. Trước đây, khoảng 7 - 8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và các sản phẩm dầu mỏ khác được vận chuyển qua Biển Đỏ. Theo nhà cung cấp dữ liệu Kpler, 12% lượng dầu thô và từ 14 - 15% các chế phẩm như xăng và dầu diesel được các nước xuất khẩu qua tuyến Biển Đỏ.

Theo ước tính của Goldman Sachs, tuyến đường thay thế Biển Đỏ sẽ đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, khiến hành trình của tàu hàng kéo dài thêm khoảng hai tuần và có khả năng tăng giá vận chuyển thêm 1 USD/thùng đối với dầu thô và 4 USD/thùng đối với các chế phẩm dầu mỏ.

Giá dầu thô Brent và dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ hầu như không biến động mạnh khi căng thẳng ở Biển Đỏ mới nổ ra. Song bất ổn tại Biển Đỏ ngày càng cho thấy sự thiếu hụt các tàu chở dầu, trong bối cảnh ngành này từ lâu đã cảnh báo rằng quá ít tàu được đóng mới.

Theo thống kê của OPEC, trong năm 2024, chỉ có hai siêu tàu chở dầu mới gia nhập đội tàu thế giới. Đây là số lượng tàu bổ sung ít nhất trong gần bốn thập kỷ của ngành dầu mỏ toàn cầu, thấp hơn tới 90% so với mức trung bình trong thiên niên kỷ này. Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Banchero Costa cho thấy, đến năm 2025, dự kiến chỉ có thêm 5 tàu mới tham gia đội tàu chở dầu toàn cầu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với con số 42 tàu được giao mới vào năm 2022.

Mặc dù gần đây số lượng đơn đặt hàng tàu mới đã tăng lên nhưng phải mất nhiều năm nữa các nhà máy đóng tàu mới đáp ứng được hết các đơn đặt hàng đã ký trong thời kỳ đại dịch COVID-19, cũng như các đơn hàng về tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

An ninh năng lượng toàn cầu bị đe dọa 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng tình hình có thể khó khăn hơn đáng kể nếu lực lượng Houthi tiếp tục các cuộc tấn công. Phí bảo hiểm và giá các sản phẩm dầu khí dự kiến sẽ tăng nếu xung đột không được giải quyết. Một nguồn tin giấu tên cho biết, phí bảo hiểm rủi ro cho mỗi chuyến tàu chở hàng đã tăng từ 2.000 USD lên 10.000 USD do sự gián đoạn vận tải trên Biển Đỏ.

Sự gián đoạn này xảy ra vào thời điểm bấp bênh, khi sự cân bằng giữa cung và cầu dầu mỏ vốn đang mong manh do căng thẳng địa chính trị.

Sau khi trải qua hai mùa đông không có khí đốt của Nga mà không gặp vấn đề gì lớn, vẫn còn nhiều yếu tố có khả năng gây bất ổn cho châu Âu và đẩy khu vực này quay trở lại một cuộc khủng hoảng năng lượng mới. Việc đóng cửa tuyến vận tải trung chuyển sẽ làm giảm nguồn cung cấp khí đốt. Hơn nữa, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây căng thẳng cho các hệ thống năng lượng và có thể làm tăng nhu cầu về LNG. Việc Chính phủ Mỹ đang xem xét lại chiến lược xuất khẩu khí đốt tự nhiên đang khiến ngành năng lượng vốn rất mong manh của châu Âu lo ngại. 

Tương tự thị trường dầu, thị trường LNG có thể gặp vấn đề nếu xảy ra sự gián đoạn ở eo biển Hormuz vì dòng LNG của Qatar khi đó sẽ gặp rủi ro. Qatar đã vận chuyển khoảng 108 tỷ m3 LNG vào năm 2023, trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ ba toàn cầu với 20% thị phần. Bất chấp các khoản đầu tư quốc tế lớn đổ vào việc tạo ra các tuyến trung chuyển LNG, hầu hết công suất khai thác mới sẽ không có sẵn cho đến năm 2025 và năm 2026. Và thỏa thuận về tuyến trung chuyển cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine đến các nước Trung và Tây Âu sẽ hết hạn vào cuối của năm 2024. Hiện chưa có bất cứ thông tin nào về thời gian gia hạn của thỏa thuận.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ - đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của nước này, cũng gặp thách thức. Theo tính toán, một tàu dầu từ cảng Novorossiysk (Nga) trên Biển Đen đến Ấn Độ mất khoảng 18 ngày khi qua kênh đào Suez và eo Bab al-Mandeb, nhưng sẽ mất 50 ngày nếu đi qua mũi Hảo Vọng. Điều này làm dấy lên một số quan ngại về triển vọng mất an ninh năng lượng toàn cầu nếu tình hình ở Biển Đổ tiếp tục “nóng lên”.

Giải pháp trong thời kỳ bất ổn

Căng thẳng ở Biển Đỏ, đẩy giá cước vận tải biển và giá bảo hiểm tăng cao, khách hàng mua dầu đang hình thành xu hướng tìm kiếm nguồn cung có khoảng cách địa lý gần hơn, nhằm tạo ra sự ổn định về hàng hóa.

Lưu lượng tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez sụt giảm nhanh chóng. Thay vào đó, các con tàu chở dầu đang tập trung về hai hướng. Hướng thứ nhất quanh Lưu vực Đại Tây Dương, bao gồm Biển Bắc và Địa Trung Hải. Hướng thứ hai bao gồm Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Đông Á. Những gì đang diễn ra minh chứng rõ nét sự thay đổi mô hình trong hoạt động thương mại dầu.

Theo các thương nhân, từ tháng Một năm nay, một số nhà máy lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu thô Basrah của Iraq và chuyển sang mua dầu từ các nhà cung cấp thuộc khu vực Biển Bắc và Guyana. 

Nhà phân tích dầu thô hàng đầu của Kpler, Viktor Katona, cho biết: “Việc chuyển hướng sang nguồn dầu ở gần hơn có ý nghĩa thương mại quan trọng. Chúng đảm bảo nguồn cung ổn định cho người mua và điều này sẽ tiếp tục chừng nào những gián đoạn ở Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển tăng cao vẫn diễn ra. Phản ứng của các thị trường là một hành động cân bằng khó khăn, khi phải lựa chọn giữa an ninh nguồn cung và tối đa hóa lợi nhuận”.

Chuyên gia Fotios Katsoulas, nhà phân tích chính về dịch vụ vận chuyển tàu chở dầu tại S&P Global Commodity Insights, cho biết căng thẳng ở Biển Đỏ đang thay đổi các nguyên tắc cơ bản trên thị trường và đang có lợi cho các nhà khai thác tàu.  

Hơn nữa, sự phổ biến của năng lượng tái tạo ở châu Âu đã dẫn đến giảm tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng của lục địa này. Sự gia tăng các tua bin gió và công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời giúp giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Pháp cũng nối lại hoạt động sản xuất điện hạt nhân vào năm ngoái. Điều này góp phần xoa dịu những ý kiến cho rằng, gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ sẽ dẫn tới giá dầu tăng “nóng”.

Nhà phân tích năng lượng cấp cao Neil Beveridge của Công ty phân tích Bernstein nói rằng: “Mọi leo thang xung đột tại Trung Đông chắc chắn sẽ làm tăng thêm rủi ro cho thị trường năng lượng”. Song chuyên gia này cho rằng, điều cần thiết là các nhà đầu tư và dư luận cần cái nhìn rộng hơn về thị trường dầu mỏ để nhận thấy chênh lệch hay mất cân xứng giữa cung và cầu mới là nguyên nhân dẫn đến lo ngại về tình trạng dư cung. Ông cho rằng tình trạng này diễn ra thường xuyên, do đó không có nhiều yếu tố có thể tác động thêm tới giá dầu thời gian tới. 

Bài 4: Gián đoạn dòng chảy thương mại của Việt Nam

Minh Trang (TTXVN)
Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài cuối: Triển vọng thương mại và vận tải biển toàn cầu
Ứng phó với những cơn gió ngược từ Biển Đỏ - Bài cuối: Triển vọng thương mại và vận tải biển toàn cầu

Mặc dù gây gián đoạn hoạt động vận tải biển và thương mại toàn cầu trong năm 2023, căng thẳng ở Biển Đỏ được dự báo không tác động lớn tới nền kinh tế thế giới và tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN