Cuộc tranh luận được các ứng cử viên hết sức coi trọng, bởi sự kiện này diễn ra đúng 2 tuần trước khi nước Đức bước vào cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến vào ngày 26/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, khác với màn tranh luận đầu tiên trên kênh RTL/NTV hôm 29/8, màn đối đầu của bộ ba ứng cử viên thủ tướng lần thứ hai này hầu như không đề cập tới những vấn đề đối ngoại, thay vào đó tập trung chủ yếu vào những vấn đề sát sườn với người dân Đức. Ba ứng cử viên đứng bàn riêng và ngang hàng, trong đó, ứng cử viên Baerbock đứng ở giữa. Thời lượng dành cho 3 ứng cử viên phát biểu về các vấn đề liên quan được cân bằng và màn tranh luận đã diễn ra suôn sẻ, có phần kịch tính. Ba ứng cử viên lần lượt trả lời các câu hỏi và nêu quan điểm về một loạt vấn đề như khả năng liên minh cầm quyền chính phủ tới đây giữa các đảng, vấn đề bảo hiểm, lương hưu, bảo vệ khí hậu, đại dịch COVID-19, giá thuê bất động sản, số hoá....
Vấn đề được đề cập đầu tiên là khả năng liên minh cầm quyền, cả ba ứng cử viên đều không nêu rõ mong muốn sẽ bắt tay với đảng nào, chỉ nhấn mạnh bản thân đang "chiến đấu" cho vị trí đảng dẫn đầu cuộc bầu cử. Ông Laschet "dồn" ứng cử viên SPD Scholz về khả năng đảng trung tả này lập liên minh với đảng Xanh và đảng Cánh tả, trong khi ông Scholz vẫn không bác bỏ khả năng liên minh với đảng Cánh tả, cho rằng điều đó sẽ do cử tri quyết định. Tuy nhiên, ông Scholz cũng nhấn mạnh sự khác biệt quá lớn giữa các đảng sẽ khiến việc lập một chính phủ liên minh gặp nhiều khó khăn
Vụ "rùm beng" gần đây khi Bộ Tài chính bị các nhà điều tra lục soát liên quan vụ điều tra Cơ quan Tình báo tài chính (FIU) - đơn vị đặc nhiệm chống rửa tiền nằm dưới sự giám sát của Bộ Tài chính do ông Scholz làm Bộ trưởng, đã được ứng cử viên Laschet sử dụng để chỉ trích mạnh mẽ ứng cử viên thủ tướng của SPD. Ông Laschet chỉ trích ông Scholz về những thiếu sót trong giám sát FIU, đồng thời nêu lại vụ Wirecard và giao dịch Cum-Ex trước đây. Trong khi đó, ứng cử viên Baerbock nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống rửa tiền, cho rằng Bộ Tài chính lẽ ra phải nỗ lực hơn nữa trong những năm gần đây. Liên quan vấn đề tiêm chủng, cả ba ứng cử viên gần như có đồng quan điểm liên quan chủ đề này, kêu gọi người dân đi tiêm chủng nhiều hơn nữa. Ứng cử viên Baerbock kêu gọi phải thực hiện các biện pháp để luôn duy trì hoạt động cho các trường học và nhà trẻ, trong khi ứng cử viên Laschet cho rằng bài học rút ra từ đại dịch là Đức cần phải tự chủ hơn, không để tình trạng như thiếu khẩu trang gian đoạn đầu dịch bệnh.
Liên quan chính sách bảo vệ khí hậu, ứng cử viên Baerbock gọi đây là "nỗ lực to lớn" của xã hội, trong đó đảng Xanh muốn đầu tư thêm 50 tỷ euro/năm cho cơ sở hạ tầng, mở rộng đường sắt, điện gió, điện mặt trời, đặc với với những nhà xây mới. Ông Laschet nhấn mạnh bảo vệ khí hậu không phải chỉ liên quan tới luật lệ, cấm đoán hay các quy định mà đúng hơn là phải có động lực để mọi người có hứng thú hướng tới những điều mới mẻ, thông qua đổi mới và nghiên cứu.
Giới quan sát cho rằng, màn đối đầu trực tiếp thứ hai của 3 ứng cử viên sinh động hơn so với lần đầu tiên, với nhiều màn tranh luận kịch tính hơn. Theo một cuộc thăm dò nhanh của kênh ARD/ZDF ngay sau cuộc tranh luận, ứng cử viên Scholz đã giành chiến thắng trước bà Baerbock và ông Laschet với một khoảng cách khá xa. Trả lời câu hỏi về ứng cử viên nổi bật giành chiến thắng trong cuộc tranh luận, 41% số ý kiến dành cho ông Scholz, so với 27% cho ông Laschet và 25% cho bà Baerbock. Ứng cử viên được những người tham gia khảo sát cho là có thiện cảm nhất là bà Baerbock (39%), tiến đến là ông Schol (34%) và ông Laschet 18%. Ứng cử viên được cho có năng lực nhất là ông Scholz (49%), tiếp theo là ông Laschet (26%) và bà Baerbock (18%). Về ứng cử viên đáng tin cậy nhất, 39% số người được hỏi nhận định ông Scholz, 36% tin vào bà Baerbock và 26% ủng hộ ông Laschet. Một cuộc thăm dò do Viện thăm dò INSA thực hiện trước màn tranh luận thứ hai cho thấy SPD tiếp tục nới rộng khoảng cách với CDU/CSU. Cụ thể, SPD giành được 26% số ý kiến ủng hộ (tăng 1%), mức cao nhất từ tháng 6/2017; liên đảng CDU/CSU không đổi ở mức 20%, và đảng Xanh giảm 1 điểm, còn 15%. Như vậy, chỉ trong 3 tháng qua, CDU/CSU đã để mất tỷ lệ ủng hộ tới 8-9% và điều này càng khiến cuộc bầu cử vào ngày 26/9 khó đoán định hơn.
Theo kế hoạch, ba ứng cử viên vẫn còn một cuộc tranh luận trực tiếp trên các kênh ProSieben, Sat.1 và Kabeleins vào tối 19/9 tới, một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rút lui khỏi chính trường sau 16 năm liên tiếp giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức.