Ứng cử viên Tổng thống Marine Le Pen phát biểu tại một buổi tranh luận ở Paris ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nguồn tin tư pháp, bà Le Pen được triệu tập vào sáng 10/3, nhưng bà đã không xuất hiện. Trước đó, bà Le Pen từng tuyên bố sẽ không hợp tác điều tra trước khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp được tổ chức vào tháng 4 và tháng 5 tới, trong đó bà Le Pen được đánh giá là một ứng cử viên sáng giá.
Tháng 12/2016, các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra bà Le Pen về các cáo buộc lạm dụng lòng tin, gian lận có tổ chức và giả mạo về công việc, sau khi Uỷ ban chống gian lận châu Âu cáo buộc bà này đã lạm dụng công quỹ của EP để trả lương cho các trợ lý khoản tiền tổng cộng 298.500 euro từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2016.
Trên thực tế các trợ lý của bà Le Pen chỉ làm các công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những nhiệm vụ trợ lý nghị sĩ châu Âu. Ngoài ra, bà Le Pen cũng bị cáo buộc lạm dụng công quỹ EP để trả lương cho vệ sĩ riêng khoản tiền 41.554 euro từ tháng 10-12/2011.
Hồi tháng 12/2015, các công tố viên Pháp cũng đã mở một cuộc điều tra về việc bà Le Pen đăng tải một loạt hình ảnh bạo lực của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên mạng xã hội Twitter. Vụ việc đã khiến EP ngày 2/3 tước quyền miễn trừ truy tố đối với bà Le Pen sau khi bỏ phiếu ủng hộ tước tư cách thành viên EP của bà.
Với cáo buộc trên, bà Le Pen có thể phải đối mặt với mức án 3 năm tù và khoản tiền phạt 75.000 euro. Tuy nhiên, bà Le Pen bác bỏ các cáo buộc trên, cho rằng đó là một "âm mưu chính trị".
Những diễn biến trên khiến uy tín của bà Le Pen, vốn được coi là một trong những ứng cử viên hàng đầu tranh cử Tổng thống Pháp 2017, bị lung lay, tạo thuận lợi cho các đối thủ của bà bứt phá trong cuộc chạy đua vào Điện Elysée.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hiện tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên độc lập, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron đang tăng nhanh, theo đó ông sẽ đánh bại bà Le Pen trong vòng hai với tỷ lệ 61% so với 39%.