Tờ Pravda (Ukraine) dẫn lời Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal mới đây cho biết, Chính phủ nước này đã đã thành lập nhóm riêng biệt để giải quyết việc tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga ở nước ngoài.
Việc thành lập nhóm trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky ban hành nghị định về nhóm công tác phát triển "cơ chế bồi thường tài sản bị thiệt hại" do xung đột với Nga gây ra.
Nhóm này sẽ bao gồm đại diện của các Bộ, Văn phòng Tổng thống, Quốc hội, Ngân hàng Trung ương Ukraine và các chuyên gia Ukraine cùng một số đại diện của nước ngoài.
Thủ tướng Shmyhal cho biết thêm, Ukraine đã đàm phán với các đối tác của mình về các cơ chế cụ thể liên quan đến cách "Nga có thể bồi thường thiệt hại". Việc tịch thu tài sản là một trong những chủ đề của những cuộc thảo luận này.
Tờ Pravda lưu ý, các quốc gia phương Tây vẫn đang thảo luận về những cách có thể chấp nhận được trong việc sử dụng tài sản có chủ quyền bị đóng băng của Nga, trị giá ước tính khoảng 300 tỷ euro.
Mỹ đề nghị phân bổ vốn cho Ukraine bằng cách cung cấp các khoản vay được đảm bảo bằng tài sản bị phong tỏa của Nga. EU ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn: sử dụng tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga – khoảng 5 tỷ euro mỗi năm.
Tuy nhiên, tờ Financial Times của Anh cuối tuần qua lại đưa tin rằng các quan chức của nhóm G7, những quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu thế giới, thừa nhận một cách riêng tư rằng việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga không còn nằm trong chương trình nghị sự của họ.
Theo Financial Times, Ukraine đang thúc đẩy phương Tây tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga, nhưng Mỹ, EU và một số nước khác vẫn đang chia rẽ về việc liệu tịch thu tài sản có phải là phương án mà Kiev nên theo đuổi hay không.
Trong khi Mỹ phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng ủng hộ việc thoái vốn tài sản của Nga thì EU và nhiều thành viên, bao gồm cả các thành viên G7 là Đức, Pháp và Italy, lại rất cảnh giác với cách tiếp cận như vậy. Các quốc gia thành viên EU lo ngại rằng bất cứ điều gì tương tự hoặc tiến tới tịch thu tài sản đều có thể dẫn đến hành động trả đũa từ Nga.
Trên thực tế, G7 đã bị chia rẽ và sự đoàn kết bị lung lay làm suy yếu sức mạnh của G7 về vấn đề tịch thu tài sản của Nga. Mặc dù “không có rủi ro gì”, Mỹ, EU và Nhật Bản gần như nhất trí không muốn đề cập đến chủ đề gây tranh cãi này.
Vấn đề đặt ra là không có gì chắc chắn về lợi ích từ việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga. Có những nghi ngờ rằng một động thái như vậy sẽ gây ra hậu quả lớn hơn đối với G7 so với những lợi ích mà nó mang lại. EU cho rằng “hỗ trợ tài chính cho Ukraine thông qua chi tiêu thường xuyên của các chính phủ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, có thể là lựa chọn tốt nhất”.
Vì vậy, có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi kế hoạch tịch thu tài sản của Nga để không làm suy yếu mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt, Financial Times kết luận.