Theo hãng tin AP của Mỹ ngày 23/1, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã nói với kênh truyền hình Pháp LCI rằng Ba Lan chưa chính thức yêu cầu Berlin về việc cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard do Đức chế tạo, nhưng “nếu được yêu cầu, chúng tôi (Đức) sẽ không cản trở".
Hãng AP cho biết thêm các quan chức Đức “biết tầm quan trọng” của những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard và như chia sẻ của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock với kênh truyền hình Pháp LCI, đó chính là lý do giải thích tại sao Berlin đang thảo luận với các đối tác về vấn đề cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine.
Đức là một trong những nhà tài trợ vũ khí chính cho Ukraine. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius yêu cầu xem xét lại kho dự trữ Leopard của Đức để chuẩn bị cho việc bật đèn xanh.
Theo AP, động thái này cho thấy Đức đã tiến gần hơn đến quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine trước sức ép ngày càng tăng từ các đồng minh phương Tây.
Trên thực tế, sự chần chừ của Đức đã vấp phải khá nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ Ba Lan và các quốc gia Baltic ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 22/1 nói rằng nếu thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) không đồng ý chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine, nước này sẵn sàng xây dựng một "liên minh nhỏ hơn" để gửi xe tăng cho Ukraine bằng mọi cách.
Trước đây, ngoài Ba Lan còn có Phần Lan và Đan Mạch cũng sẵn sàng gửi Leopards đến Ukraine.
Trong một cuộc trò chuyện với nhà báo Vadym Karpiak hồi đầu tháng 1/2023, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tiết lộ mục tiêu của Kiev là thành lập một lữ đoàn xe tăng Leopard.
Ngoài xe tăng chiến đấu chủ lục Leopard, vào ngày 22/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng nước này làm việc về ý tưởng gửi một số xe tăng chiến đấu Leclerc của Pháp tới Ukraine.
Ông Macron cho biết Pháp sẽ đưa ra quyết định liên quan tới việc gửi xe tăng đến Ukraine dựa trên ba tiêu chí: việc chia sẻ thiết bị không dẫn đến leo thang xung đột, thiết bị được cung cấp sẽ mang tới trợ giúp hiệu quả và khả thi, và việc cung cấp thiết bị cho Ukraine sẽ không làm suy yếu quân đội của Pháp.
Trong một diễn biến liên quan, theo Đài RT của Nga, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng các chính phủ cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Ukraine có nguy cơ gây ra một “thảm kịch toàn cầu sẽ hủy diệt đất nước của họ”.
Theo ông Volodin, việc cung cấp vũ khí tấn công cho Kiev sẽ dẫn đến một “thảm họa toàn cầu” và “nếu Washington cùng NATO cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố yên bình và cố gắng chiếm lãnh thổ của chúng tôi như họ đe dọa sẽ làm, thì điều đó sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn”.
Do đó, nhà lập pháp Nga cho rằng các quan chức phương Tây nên nhận thức trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn kịch bản nêu trên.