Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh ABC News ngày 22/1 (theo giờ địa phương), Hạ nghị sỹ đảng Cộng hoà Michael McCaul cho biết hiện nay có khoảng 10 quốc gia sở hữu xe tăng Leopard, nhưng họ cần phải có sự đồng ý của Đức.
Trong khi đó, theo nghị sỹ McCaul, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Đức đang chờ Mỹ đi đầu (trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine), sau đó, họ sẽ cung cấp xe tăng Leopard (cho Ukraine). Vậy thì, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng M1 Abrams, nhưng chỉ một chiếc mà thôi.
Ngoài xe tăng, nghị sỹ McCaul còn cho rằng Kiev cần được cung cấp pháo tầm xa để giúp đẩy lùi một cuộc tấn công được cho là sắp xảy ra của người Nga.
Đài RT của Nga ngày 23/1 cho hay McCaul là một trong những đảng viên Cộng hòa hiếu chiến nhất trong Hạ viện, từng tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại các lực lượng Nga, bất kể sự phản đối ngày càng tăng của công chúng đối với hoạt động viện trợ này.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức chế tạo, được trang bị cho cho quân đội các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên khắp châu Âu và được các chuyên gia quốc phòng đánh giá là phù hợp nhất cho Ukraine, nhưng để tái xuất sang Ukraine, chúng cần có sự cho phép của Berlin.
Hãng tin Reuters của Anh cho hay một số quan chức các nước Đông Âu đã công khai kêu gọi Đức cho phép chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine. Tuy nhiên, theo nguồn tin quan chức chính phủ Đức, Berlin sẽ cho phép gửi xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine để giúp quốc gia này chống đỡ trong xung đột nếu Mỹ đồng ý gửi xe tăng của chính họ.
Trong khi đó, theo ABC News, Mỹ cho biết xe tăng M1 Abrams không phù hợp để chiến đấu ở Ukraine do phải bảo trì thường xuyên và khó khăn về nhiên liệu mà chúng cần để vận hành. Thay vào đó, Mỹ đã cam kết cung cấp các phương tiện bọc thép quan trọng cho Ukraine, gồm 59 xe chiến đấu Bradley, 90 xe bọc thép chở quân Stryker…
Vào ngày 20/1, các quốc gia chủ chốt của NATO đã nhóm họp tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức để bàn về việc viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chuẩn bị diễn ra được một năm.
Tuy nhiên, họ đã không đạt được thỏa thuận về việc gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức chế tạo cho Ukraine.
Sự chần chừ của Đức đã vấp phải khá nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ Ba Lan và các quốc gia Baltic ở sườn phía Đông của NATO.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 22/1 nói rằng nếu các thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) không đồng ý chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine, nước này sẵn sàng xây dựng một "liên minh nhỏ hơn" để gửi xe tăng cho Ukraine bằng mọi cách.
Trước sức ép của các nước phương Tây, cánh cửa để Ukraine nhận được xe tăng Leopard đang dần mở ra rộng hơn.
Ban đầu là việc tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 20/1 đã yêu cầu xem xét lại kho dự trữ Leopard của Đức để chuẩn bị cho việc bật đèn xanh.
Hai hôm sau, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã nói với kênh truyền hình Pháp LCI rằng Ba Lan chưa chính thức yêu cầu Berlin về việc cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard do Đức chế tạo, nhưng “nếu được yêu cầu, chúng tôi (Đức) sẽ không cản trở".