Theo đài RT (Nga), ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức, nơi các cường quốc phương Tây đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev. Ông nhấn mạnh Moskva có thể trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn nếu lãnh thổ của nước này bị đe dọa.
“Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn”, ông Volodin nói.
Nhà lập pháp Nga lập luận rằng các quan chức phương Tây nên nhận thức trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn kịch bản đó.
Ông Volodin cảnh báo: “Xét đến ưu thế công nghệ của vũ khí Nga, các chính trị gia nước ngoài đưa ra quyết định như vậy cần phải hiểu rằng đây có thể trở thành thảm kịch toàn cầu hủy diệt đất nước của họ”.
Giới lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ thuộc biên giới của đất nước được thành lập sau năm 1991. Kiev cho biết họ sẵn sàng giành lại các vùng lãnh thổ đó bằng vũ lực nếu Moskva không từ bỏ chúng. Crimea đã sáp nhập Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Đầu tháng 10 năm ngoái, bốn khu vực khác của Ukraine - gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia- cũng đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý trước đó một tháng.
Dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên, hôm 18/1, tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có nhiều khả năng cân nhắc cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công cần thiết để tấn công các mục tiêu ở Crimea.
Ngay trước cuộc gặp tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức hôm 20/1, Mỹ đã công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe bọc thép chở quân Stryker, xe bảo vệ chống phục kích mìn, Humvee, cũng như 20.000 viên đạn pháo thông thường và 600 quả đạn 155 mm dẫn đường chính xác. Ngoài ra, Washington cũng cam kết cung cấp cho Kiev nhiều tên lửa hơn cho các hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS M142 và MLRS M270.
Đầu tháng này, Anh cũng xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine một số xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây chưa đạt được thỏa thuận với Đức về việc gửi xe tăng Leopard 2 tới Kiev.
Ngoài xe chiến đấu bộ binh Bradleys và Strykers của Mỹ, Ukraine sẽ nhận được xe chiến đấu bọc thép bánh hơi AMX-10 RC của Pháp, mà một số chuyên gia mô tả là xe tăng hạng nhẹ. Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch cung cấp phần cứng cho loại vũ khí này vào đầu tháng này.
Thụy Điển cũng cam kết sẽ đóng cung cấp xe chiến đấu bộ binh CB-90 và pháo tự hành Archer cho Ukraine.
Trước động thái của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định phương Tây đang sử dụng Ukraine là công cụ để thực hiện các mục tiêu chống Nga.
Theo ông Peskov, việc phương Tây cung cấp các vũ khí tối tân hơn cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến mà chỉ khiến xung đột leo thang hơn nữa. Ông đồng thời cảnh báo, tất cả xe tăng của phương Tây, trong đó có Anh sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
“Chúng tôi đánh giá và nhìn nhận hành vi này rất tiêu cực. Anh và các nước phương Tây khác đều nói về kế hoạch cung cấp mới các thiết bị quân sự công nghệ và tiên tiến hơn cho Ukraine. Hành động này của không thể thay đổi tình hình thực địa. Họ phải hiểu điều này. Họ chỉ làm kéo dài toàn bộ câu chuyện và gây thêm rắc rối cho Ukraine. Họ đang sử dụng đất nước Ukraine như một công cụ để đạt được các mục tiêu chống Nga. Chiến dịch quân sự của chúng tôi sẽ tiếp tục và những vũ khí của họ sẽ bị thiêu rụi”, ông cảnh báo.
Nga trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây bơm vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO và rằng bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.