Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) phát biểu trong phiên họp Quốc hội ở Kiev ngày 7/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, văn kiện này được Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đệ trình lên Quốc hội từ ngày 4/10 để xem xét thông qua, song đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phe đối lập.
Một số nghị sĩ Ukraine cho rằng văn kiện này đe dọa liên bang hóa đất nước và yêu cầu nêu cụ thể những điều kiện để trao cho vùng Donbass quy chế đặc biệt. Tổng thống Poroshenko đã buộc phải chấp nhận yêu cầu này, nhờ đó văn kiện mới được thông qua. Theo đó, quy chế đặc biệt cho vùng Donbass sẽ có hiệu lực sau khi thực hiện một loạt điều kiện, trong đó có việc rút “tất cả các đơn vị bất hợp pháp” ra khỏi khu vực.
Theo các Thỏa thuận Minsk, Ukraine có nghĩa vụ cấp quy chế đặc biệt cho hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk. Luật về quy chế đặc biệt vùng Donbass được thông qua năm 2014, song chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới.
Ngay lập tức, CHND Donetsk và Lugansk tự xưng đã lên tiếng chỉ trích những sửa đổi trong luật nói trên, đồng thời gọi văn kiện này là “sự xúc phạm tiếp theo từ phía Kiev” nhằm mục đích tạo “vỏ bọc” giả dối việc thực hiện các Thỏa thuận Minsk.
Trong những năm qua, các bên liên quan cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đã ký các thỏa thuận hòa bình Minsk hướng tới việc ngừng bắn tại khu vực này. Đức, Pháp, Nga và Ukraine, với tư cách là các thành viên của nhóm Bộ Tứ Normandy, đã tham gia hỗ trợ tiến trình thương lượng thực thi lệnh ngừng bắn tại Donbass.
Tuy nhiên, quân đội chính phủ và các tay súng tại khu vực này liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4/2014 đến nay, khoảng 10.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.