Theo nguồn tin, Washington đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử và chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải chứng minh rằng các nguồn hỗ trợ quân sự to lớn mà Mỹ và các đồng minh đang cung cấp cho Ukraine không vô ích.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine đang giảm dần ở Mỹ và Chính quyền của Tổng thống Biden phải chứng minh rằng hàng chục tỷ USD viện trợ cho Kiev đã tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường.
Theo các nguồn tin của Financial Times, Washington tin rằng 5 tháng tới sẽ là thời điểm rất quan trọng đối với kết quả của cuộc xung đột.
“Nếu đến tháng 9, Ukraine không đạt được những thành tựu đáng kể, thì áp lực quốc tế đối với phương Tây trong việc đưa hai bên đến các cuộc đàm phán sẽ rất lớn”, một nguồn tin giấu tên khác nói.
Kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Liên hợp quốc và hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 sẽ lần lượt diễn ra vào tháng 9 tới. Theo nguồn tin, cả hai sự kiện này có thể được tận dụng nhằm giúp Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cảnh báo sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev cũng sắp đạt đến giới hạn.
“Về cơ bản, thông điệp gửi tới Kiev là đây là điều tốt nhất mà họ sẽ nhận được. Ngân sách của Mỹ không còn dư dả để tiếp tục viện trợ cho Ukraine, và các nhà máy sản xuất vũ khí của châu Âu đang hoạt động hết công suất.”
Mỹ là nước viện trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Các đồng minh đang lo ngại về khả năng duy trì sự ủng hộ này của Washington và cho rằng các khoản viện trợ sẽ giảm vào năm 2024 trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.
Một quan chức châu Âu nhận định: “Chúng tôi không thể duy trì mức hỗ trợ như cũ mãi mãi. Đồng thời, vị quan chức này cho biết thêm rằng mức hỗ trợ hiện tại có thể được duy trì trong 1 hoặc 2 năm nữa, nhưng không thể kéo dài hơn nữa.
Ukraine đang nỗ lực kêu gọi phương Tây tăng viện trợ quân sự gấp nhằm giúp Kiev chấm dứt cuộc xung đột với Nga. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh có dấu hiệu “hụt hơi” trong nỗ lực cung cấp khí tài cho Ukraine.
Bất chấp các khoản viện trợ lớn, sự ủng hộ của người Mỹ dành cho Ukraine đang có xu hướng giảm sút. Theo kết quả thăm dò dư luận hồi tháng 4, khoảng 48% người Mỹ nói rằng họ ủng hộ mức viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine, trong khi vào tháng 5 năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ khoảng 60%.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: “Mọi người đều hiểu rằng cuộc xung đột này phải kết thúc vào một thời điểm nào đó và tất cả chúng ta đều muốn thấy nó kết thúc sớm hơn là muộn”.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ cũng chỉ trích quy mô viện trợ của Washington dành cho Kiev.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine có thể vượt qua “lằn ranh đỏ”, dẫn đến căng thẳng leo thang nghiêm trọng. Theo Moskva, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội Kiev đã khiến các quốc gia phương Tây trên thực tế là các bên trực tiếp tham gia xung đột.