Nhìn chung, người nước ngoài ở UAE thường chỉ được cấp thị thực có giới hạn, gắn với chủ sử dụng lao động và rất khó để có được quy chế cư trú dài hạn. Tuy nhiên, những người được cấp loại thị thực xanh sẽ có thể đến UAE làm việc mà không cần một công ty đứng ra bảo lãnh.
Những người này cũng có thể bảo lãnh cho cha mẹ và con cái dưới 25 tuổi đến UAE. Bộ trưởng Thương mại UAE Thani al-Zeyoudi cho biết loại thị thực này sẽ được cấp chủ yếu cho nhóm những lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, thực tập sinh, những sinh viên và nghiên cứu sinh nổi bật.
Các quốc gia vùng Vịnh như UAE đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Nền kinh tế UAE vốn đã đình trệ trong vài năm gần đây do giá dầu giảm và càng thêm áp lực khi đại dịch COVID-19 tác động tới ngành du lịch và hoạt động kinh doanh.
Năm 2019, UAE triển khai chương trình "thị thực vàng" trong 10 năm để thu hút những cá nhân giàu có và lao động tay nghề cao tới nước này. Đây cũng là chương trình đầu tiên được triển khai tại vùng Vịnh. Sau đó, các quốc gia khác trong khu vực như Saudi Arabia và Qatar cũng triển khai các chương trình tương tự.
Hồi tháng 6/2019, Saudi Arabia thông báo sẽ cấp quy chế cư trú dài hạn với chi phí 800.000 riyal (213.000 USD) và quy chế cư trú một năm có thể gia hạn với chi phí 100.000 riyals, cho phép người nước ngoài hoạt động kinh doanh và mua tài sản tại nước này mà không cần một công dân hay tổ chức của nước này đứng ra bảo lãnh.
Qatar cũng mở cửa thị trường bất động sản cho người nước ngoài, với kế hoạch cho những người mua nhà cửa hoặc cửa hàng kinh doanh tại nước này quyền cư trú dài hạn hoặc vĩnh viễn.
Hiện người nước ngoài chiếm tới 90% tổng dân số 10 triệu người tại UAE, nền kinh tế lớn thứ 2 trong thế giới Arab, chỉ sau Saudi Arabia.