Hãng CNN dẫn nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cho biết tổng tỷ suất sinh của quốc gia Đông Á này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1970. Tổng tỷ suất sinh được tính dựa trên số con trung bình mà mỗi phụ sẽ sinh trong đời. Năm 2018 con số này đã giảm xuống 0,98, tức là chưa đầy 1 con trên 1 phụ nữ, trong khi số liệu này vào năm 2017 là 1,05.
Theo một báo cáo được tổng hợp hàng năm của Chính phủ Hàn Quốc, kể từ năm 1970, tỷ lệ sinh của phụ nữ Hàn Quốc đã giảm đáng kể. Mức giảm kỷ lục này đã đưa Hàn Quốc vào nhóm danh sách các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, thậm chí còn thấp hơn Nhật Bản – quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng dân số cực thấp trong nhiều năm qua, tổng tỷ suất sinh chỉ ở mức 1,42 trong năm 2018.
Trong khi đó, con số này tại Mỹ là 1,72 còn ở một số nước châu Phi có tổng tỷ suất sinh lên tới 5 – 6. Các chuyên gia cho biết để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần duy trì tỷ suất sinh là 2, nếu vượt quá con số này chứng tỏ quốc gia đó đang tăng trưởng dân số mạnh.
Đây không phải là điều quá bất ngờ đối với Hàn Quốc bởi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã nhen nhóm xuất hiện trong một thời gian dài. Tỷ suất sinh tại quốc gia này năm 2017 là 1,05 – mức thấp kỷ lục tại thời điểm đó, trong khi tỷ lệ tử vong nhảy vọt lên mức cao kỷ lục.
Tỷ lệ sinh thấp trong bối cảnh dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng. Năm 2017, số người trên 65 tuổi đông hơn nhiều lần so với người trẻ ở độ tuổi từ 0 – 14 tuổi, người cao tuổi chiếm 13,6% tổng dân số.
Không chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang phải oằn mình giải quyết vấn nạn dân số gia, lực lượng lao động bị thu hẹp và tỷ lệ sinh thấp. Cả hai quốc gia này đều đang chứng kiến sự suy giảm nhân khẩu học vô cùng nhanh chóng. Đến năm 2065, dự kiến dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 127 triệu xuống còn khoảng 88 triệu.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một trong số đó chính là văn hóa làm việc đòi hỏi sự khắt khe khiến giới trẻ khó cân bằng công việc với cuộc sống gia đình. Đứng trước vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau để cố gắng đảo ngược xu hướng. Năm 2017, Tokyo đã công bố gói chi tiêu trị giá 2 nghìn tỷ Yen để mở rộng các trường mầm non miễn phí và cắt giảm thời gian tại các nhà trẻ ban ngày.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 giờ xuống còn 52 giờ/tuần vào năm ngoái.
Xu hướng “thờ ơ với kết hôn” đang ngày càng gia tăng ở cả hai quốc gia Đông Bắc Á. Theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA), năm 2018, phần lớn người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20-44 là độc thân. Trong số những người không hẹn hò, 51% nam giới và 64% phụ nữ cho biết họ lựa chọn cuộc sống không hôn nhân.
Nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi cho rằng họ không có thời gian, tiền bạc hoặc không có nhu cầu muốn hẹn hò. Họ đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong một thị trường việc làm cạnh tranh cao.
Một số lớp học đại học và các nhà giáo dục đang cố gắng dạy sinh viên về kỹ năng hẹn hò, tình yêu và tình dục trong nỗ lực đảo ngược văn hóa chống lại hẹn hò - thậm chí tạo điều kiện cho sinh viên đi hẹn hò.
Tại Nhật Bản, một thị trấn nông nghiệp ở phía Tây quốc gia này còn chi trả mọi chi phí cho các cặp vợ chồng đến sống ở đây để sinh con. Các gia đình nhận được khoản tiền 100.000 Yen (22 triệu đồng) nếu sinh đứa con đầu lòng, 150.000 Yen (33 triệu đồng) cho đứa trẻ thứ 2 và khoảng 400.000 Yen (87 triệu đồng) cho đứa con thứ 5 sinh ra trong cùng một gia đình.
Biện pháp này dường như đang đạt được những hiệu quả tích cực, từ năm 2005 đến 2014, tỷ lệ sinh của thị trấn này đã tăng gấp đôi từ 1,4 lên 2,8.