Tỷ phú Mỹ-Trung ra lời kêu gọi khẩn cấp trước thềm đối thoại kinh tế giữa hai nước

Thừa nhận có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa hai nền kinh tế, nhóm tỷ phú Mỹ - Trung kêu gọi chính phủ hai nước “đàm phán có hiệu quả” trong bối cảnh quan ngại có thể xảy ra chiến tranh thương mại.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma kêu gọi chính phủ Mỹ - Trung giải quyết tranh chấp thương mại bằng đàm phán.

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), 20 nhà lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã đưa ra lời kêu gọi trong Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Mỹ-Trung lần thứ nhất được tổ chức tại Bộ Thương mại Mỹ ở Washington vào ngày 18/7 vừa qua, dưới dự chủ trì của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma – người đứng đầu tập đoàn Alibaba và Stephen Schwarzman – Giám đốc điều hành công ty tài chính và đầu tư Blackstone.

Trong một tuyên bố sau hội nghị, giới tỷ phú hai nước “hi vọng tranh chấp thương mại có thể được giải quyết thông qua đàm phán hiệu quả từ hai bên hợp tác để tìm ra một giải pháp tức thời”.

Tuyên bố sau hội nghị cũng nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo chính trị Mỹ và Trung Quốc tăng cường hợp tác và đối thoại về các quy định và việc giám sát, tiêu chuẩn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường mở tự do công bằng và loại bỏ những thủ tục gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế và tạo việc làm".

Theo tỷ phú giàu nhất Trung Quốc – Jack Ma, trong mọi mối quan hệ kinh tế sâu sắc và phức tạp, việc tranh chấp về thương mại hay đầu tư là tự nhiên và có thể lường trước được. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn “khuyến khích chính phủ hai nước sử dụng các cơ chế hiện hành để giải quyết các tranh chấp trên một cách tôn trọng và có hiệu quả”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu trước hội nghị rằng hiện đang có “sự mất cân bằng trầm trọng” giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang “cần phải được chỉnh lại”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định lĩnh vực tư nhân “cần được trang bị một cách tốt nhất để đưa bóng qua vạch đích”.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương ngày 18/7 cũng tham gia Hội đồng Doanh nhân Mỹ - Trung và tìm cách giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ. Ông ca ngợi sự đóng góp lâu dài và sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã "tạo ra bầu không khí thiên về hợp tác thay vì đối đầu trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung".

Lời kêu gọi từ 20 nhà tỷ phú hai nước xuất hiện một ngày trước khi diễn ra Đối thoại Kinh tế Toàn diện cấp cao giữa quan chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Đây là một trong 4 cơ chế được thiết lập bởi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp hồi đầu tháng 4 tại Florida.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp mặt người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Florida.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp dụng hạn ngạch và thuế quan đối phó với tình trạng phá giá thép từ Trung Quốc. “Họ đang xả thép và phá hoại nền công nghiệp thép của chúng ta, họ đã làm việc đó hàng chục năm qua và tôi đang ngăn chặn điều đó. Có hai cách giải quyết: hạn ngạch và thuế. Có thể tôi sẽ làm cả hai”, Tổng thống Trump khẳng định với phóng viên.

Trong suốt thời gian vận động tranh cử năm ngoái, Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc đưa tràn lan thép giá rẻ vào thị trường Mỹ. Ông cũng cho rằng sự sụt giảm thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc là kết quả của các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.


Sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tại Florida vào tháng 4, Tổng thống Donald Trump cho biết mình rất hợp với ông Tập Cận Bình và nhất trí kế hoạch đối thoại thương mại kéo dài 100 ngày với Trung Quốc. Tháng 5 vừa qua, hai nước cũng nhất trí cho phép Mỹ xuất khẩu thịt bò và khí tự nhiên tới Trung Quốc và cho một vài dịch vụ tài chính mở rộng trong thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng những nỗ lực đó nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc cho đến hiện giờ chỉ đem lại được một vài kết quả và còn “hạn chế”. Nhà phân tích Scott Kennedy chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, nhận định: “Chính quyền Tổng thống Trump đang không hài lòng và mất một chút kiên nhẫn với Trung Quốc về những vấn đề này”.

Deborah Lehr – một chuyên gia cấp cao tại Viện chiến lược Paulson – cho biết Trung Quốc vẫn còn hứng thú với việc đàm phán thỏa thuận trong khi chính quyền Trump chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra trong 100 ngày tới.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Đối thoại cấp cao về quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung
Đối thoại cấp cao về quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung

Đối thoại cấp cao về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra ngày 14/6 tại thành phố New York với sự tham gia của hơn 30 học giả đến từ các cơ quan đầu ngành của cả hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN