Tỷ phú Musk trở thành 'thỏi nam châm' thu hút nhiều lãnh đạo thế giới

Nhiều nguyên thủ quốc gia trong các chuyến công du Mỹ gần đây, bao gồm cả chuyến thăm chính thức cấp nhà nước theo lời mời của Nhà Trắng, đã bổ sung thêm sự kiện gặp mặt tỷ phú Elon Musk vào lịch trình của họ.

Chú thích ảnh
Tỷ phú Musk đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron 3 lần từ tháng 12/2022 đến nay. Ảnh: Getty Images

Năm nay, tỷ phú giàu nhất thế giới đã gặp gỡ lãnh đạo của Pháp, Italy, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Đài BBC (Anh) cho biết một số nhà lãnh đạo muốn thúc đẩy kinh tế và ngành công nghiệp xe điện qua nhà máy Tesla mới hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng từ dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX. Những người khác lại thảo luận về mạng xã hội X thuộc sở hữu của tỷ phú Musk, trước đây gọi là Twitter, và tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI).

Kể từ tháng 12/2022 đến nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ ông trùm công nghệ đến ba lần. Ông Macron mong muốn Tesla xây dựng siêu nhà máy tại Pháp. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni vào tháng 6 và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/9 vừa qua tại New York đều bày tỏ nguyện vọng tương tự khi gặp tỷ phú Musk.

Thủ tướng Israel Netanyahu đã bay tới California để trò chuyện về AI với tỷ phú Musk vào hôm 18/9. Ông Netanyahu trước đây từng đăng lên mạng xã hội Twitter bày tỏ ngưỡng mộ với “thiên tài và tác động đến nhân loại” của tỷ phú Musk. Nhà lãnh đạo Israel còn khuyến khích ông chủ của mạng xã hội X “tìm cân bằng” giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và trừng phạt phát ngôn thù hận.

Chú thích ảnh
Tỷ phú Musk gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New York (Mỹ) vào tháng 6. Ảnh: Getty Images

Thành công vang dội của Tesla và SpaceX đã giúp biến ông Musk từ nhà sáng tạo thiên tài trở thành biểu tượng của người nổi tiếng. Noam Cohen, cựu nhà báo công nghệ của tờ New York Times, tin rằng tham vọng và tầm nhìn đặc biệt của tỷ phú Musk đã khiến ông đạt thành tích cao trong kinh doanh và trở thành một thế lực “gần như chính phủ”.

Theo ông Cohen, tỷ phú Musk đã kết hợp "vật lý" gồm các nhà máy lớn, nhiều nhân viên và sản phẩm có giá trị với "kỹ thuật số" là kiểm soát cách thức lan truyền thông tin. Ông Cohen đánh giá không có gã khổng lồ công nghệ nào khác, dù là Mark Zuckerberg hay Jeff Bezos, có thể sánh được với điều đó. “Nếu Musk không mua Twitter, liệu chúng ta có nói về ông ấy không?”, ông Cohen nói.

Tuy nhiên, ông Cohen cho rằng tỷ phú Musk đã rơi vào nhiều cạm bẫy giống như những người đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon: “Về cơ bản, họ nhìn thế giới theo cùng một cách: bạn chỉ lo cho chính mình, không có mạng lưới an toàn xã hội, bạn phải làm việc chăm chỉ và người giỏi nhất sẽ vươn lên dẫn đầu. Đó là kết hợp giữa lòng tham và tư duy cơ bản coi trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất với những người thông minh nhất sẽ điều hành thế giới”.

Ông Cohen cho rằng việc ông Musk và các ông trùm khác có thể đưa ra các quyết định đơn phương gây ra tác động địa chính trị đáng kể là điều đáng báo động. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết trích dẫn từ cuốn tiểu sử của tỷ phú Musk được tờ The Washington Post đăng tải trong tháng 9 có tiết lộ rằng vào tháng 9/2022, Ukraine đã đề nghị Starlink hỗ trợ tấn công tàu Hải quân Nga tại cảng Sevastopol ở Crimea. Nhưng khi đó, tỷ phú Musk khi đó đã từ chối.

Ông Cohen băn khoăn: “Chỉ vì bạn giỏi lập trình hoặc kinh doanh, làm sao điều đó lại có nghĩa là bạn giỏi đưa ra các quy tắc về cách thế giới vận hành?”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo BBC)
Công ty của tỷ phú Elon Musk chuẩn bị thử nghiệm chip cấy ghép não người đầu tiên
Công ty của tỷ phú Elon Musk chuẩn bị thử nghiệm chip cấy ghép não người đầu tiên

Neuralink, công ty công nghệ thần kinh do Elon Musk thành lập, đang xây dựng con chip “giao diện não-máy tính” để cấy vào não người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN