Tỷ phú Jack Ma: Hàng giả tốt hơn hàng hiệu

Theo Bloomberg, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, tỷ phú Jack Ma, cho biết nhiều hàng hóa giả mạo hiện có chất lượng tốt hơn cả hàng chính hãng.

Chủ tịch Alibaba Jack Ma. Ảnh: AFP

Tuyên bố hùng hồn của tỷ phú Jack Ma tất nhiên không nhận được sự đồng tình của các nhà sản xuất hàng xa xỉ.

Trong bài phát biểu tại trụ sở Alibaba ở Hàng Châu hôm 14/6, ông nói: “Vấn đề là các sản phẩm giả ngày này có chất lượng tốt hơn và giá tốt hơn hàng chính hãng. Cùng là các nhà máy đó, sử dụng chính xác vật liệu đó, chỉ là họ không dùng tên của nhãn hàng". 

Tỷ phú Jack Ma nói thêm: “Chúng ta phải bảo vệ sở hữu trí tuệ, chúng ta phải làm mọi thứ để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo, nhưng vấn đề là các nhà sản xuất đang làm sản phẩm tốt hơn với giá tốt hơn”.

Năm ngoái, Gucci, Yves Saint Laurent và một số thương hiệu thời trang cao cấp thuộc Tập đoàn Kering (trụ sở tại Paris, Pháp) đã kiện Alibaba với tội danh vi phạm luật bảo vệ thương hiệu, vi phạm luật sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại, cáo buộc Alibaba đang tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng giả trên các website của mình.

Hồi tháng 5, Liên minh chống hàng giả quốc tế (ICCA) đình chỉ tư cách hội viên của Alibaba sau các quan ngại về việc bán hàng giả của công ty này.

Đối mặt với bê bối này, Chủ tịch Alibaba tỏ ra rất tự tin. Nhắc tới 2 đối thủ chính, Jack Ma nói: “Bạn không thể ngừng Alibaba trong hai giờ nếu không đó sẽ là thảm họa với Trung Quốc. Bạn có thể ngừng Tencent trong 2 ngày, và chặn Baidu trong 2 tuần và mọi thứ vẫn ổn”.

Sau bài phát biểu gây tranh cãi hôm 14/6, tỷ phú Jack Ma cho biết phát ngôn của ông không có mục đích bảo vệ hàng giả mà chỉ là quan sát của ông trong vấn đề về nhãn hiệu và nhà sản xuất. Ông đã nhấn mạnh: "Không phải hàng giả phá hủy hàng thật, mà chính là mô hình kinh doanh mới đã gây ra điều này".

Ông Jack Ma cũng gửi tới thông điệp rõ ràng hơn: Các nhà sản xuất Trung Quốc đang ngày càng mất kiên nhẫn với một bộ phận lao động toàn cầu, trong đó họ sản xuất hàng hóa chất lượng cao chỉ để nhìn thấy tiền chạy vào túi của các chủ sở hữu thương hiệu. 

Thay vào đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách làm ra sản phẩm của riêng mình và bán trực tiếp cho người tiêu dùng, sử dụng internet để tiếp thị.

Dù vướng vào bê bối bán hàng giả, Jack Ma không hề lơ là tới mục tiêu phát triển dài hạn của Alibaba. Ông nói mục tiêu đạt được 2 tỷ người dùng đòi hỏi Alibaba phải thành công hơn nữa ở khu vực nông thôn Trung Quốc, nơi ước tính có 700 triệu người. 


Trong khi có khả năng mở rộng ở Malaysia, Indonesia và Ấn Độ, ông cho rằng tiếp cận nội địa sẽ thành công hơn bởi hãng hiểu rõ thị trường nội đa hơn. 


Alibaba kỳ vọng sẽ đạt 423 triệu người mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới vào năm 2016,  qua Tmail.com và Taobao Marketplace.

Trần Minh (Theo Bloomberg, CNBC)
Quyền năng mới của “da điện tử”
Quyền năng mới của “da điện tử”

Trong lúc các “cường quốc mỹ phẩm” không ngừng tìm cách cải thiện vẻ đẹp của làn da thì một nhóm nhà khoa học Nhật Bản chọn con đường nghiên cứu khác: Tạo ra một loại “siêu da” có quyền năng mà cơ quan xúc giác thông thường không có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN