Alibaba – Ngôi sao 'đang lên' của thương mại điện tử Trung Quốc

Quá khứ tuổi thơ của không ít người trong số chúng ta đã chìm đắm trong một thế giới Arập đầy huyền bí của tập truyện Nghìn lẻ một đêm với những cung vàng điện ngọc, công chúa, hoàng tử, phù thủy và cả những tên trộm lừng danh.

Hẳn nhiên không ai có thể quên anh chàng Alibaba tuy nghèo khó nhưng nhờ tài trí tuyệt vời của mình đã lấy được kho báu của 40 tên cướp khét tiếng để trở nên giàu có và cưới được cả một cô công chúa xinh đẹp.

Trụ sở của Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters


Ngày nay, cả thế giới lại một lần nữa nhắc tới cải tên Alibaba nhưng không phải là anh chàng láu linh trong câu chuyện cổ tích nói trên mà là một công ty thương mại điện tử-đấu giá trực tuyến hàng đầu Trung Quốc.

Ngày 18/9, Alibaba Group Holding Ltd thực hiện một trong những đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) được coi là lớn nhất lịch sử trên thị trường chứng khoán Mỹ. Sau IPO, giá trị của Alibaba có thể lên tới trên 200 tỷ USD, gấp gần bốn lần mức vốn hóa thị trường của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin (Mỹ).

Ngã rẽ khởi nghiệp

Một điều khá bất ngờ đối với nhiều người là nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma từng bị Đại học danh tiếng Havard của Mỹ từ chối và thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học hai lần. Vậy làm thế nào mà một giáo viên tiếng Anh không mấy tiếng tăm lại có thể trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện nay?

Câu chuyện khởi nghiệp của ông Jack Ma đầy bất ngờ và lý thú. Năm 1995, năm đầu tiên Jack Ma sử dụng Internet để tìm kiếm từ khóa “bia Trung Quốc” và không thu được kết quả nào. Tuy vậy, các trang web tìm kiếm lại cung cấp rất nhiều thông tin về bia Mỹ và đặc biệt là bia Đức.

Một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu Jack Ma và thế là Alibaba.com - một trang web thương mại điện tử bằng tiếng Trung Quốc để kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với khách hàng nước ngoài - đã ra đời vào năm 1999 với trụ sở khá khiêm tốn ở Hàng Châu (Trung Quốc).

Ông Jack Ma. Ảnh: Reuters


Alibaba được mô tả là sự kết hợp của hai “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ là công ty cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến eBay Inc. và hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com.

Với suy nghĩ “Internet sẽ thay đổi thế giới và thay đổi Trung Quốc”, ông Jack Ma đã đưa Alibaba.com đã nhanh chóng trở thành công ty công nghệ thống trị ở Trung Quốc cho dù có xuất phát điểm thấp. Ông có một niềm tin rất mạnh mẽ rằng các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế nhờ tinh thần không ngừng đổi mới.

Một minh chứng cụ thể là Alibaba đã tự tin đối đầu với “đại gia” đấu giá trực tuyến eBay khi hãng này thống trị thị trường C2C (người tiêu dùng bán cho người tiêu dùng) của Trung Quốc hồi năm 2003.

Để thách thức eBay, Alibaba đã “trình làng” Taobao, một trang web tương tự eBay, nhưng được thiết kế phù hợp hơn với thị trường địa phương và không tính phí người sử dụng.

Với nhiều người, hành động trên chẳng khác nào “châu chấu đá voi” nhưng thật bất ngờ là chiến lược này đã thành công. Năm 2005, Taobao đã có gần 70% thị phần bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc.

Và công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trực tuyến Yahoo (Mỹ) bỏ ra 1 tỷ USD để mua 40% cổ phần của Alibaba. Đến năm 2006, eBay đã tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, Alibaba đã là một công ty toàn cầu với 22.000 nhân viên và 90 văn phòng trên thế giới. Hai trang web phổ biến nhất của Alibaba là Taobao và Tmall đóng góp tới 80% doanh thu ngành bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc. Ước tính, hai trang web này có số lượng giao dịch đạt 14,5 tỷ với tổng giá trị 250-300 tỷ USD năm 2013.

Ngoải ra, Alibaba đang điều hành một dịch vụ thanh toán điện tử, quỹ đầu tư, kinh doanh dịch vụ máy tính đám mây Internet và một số dịch vụ cho điện thoại di động. Alibaba còn mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí, thể thao, truyền thông và một đội bóng đá.

Jack Ma đã rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của Alibaba hồi năm 2013 để đảm nhận chức chủ tịch và tập trung cho công tác từ thiện nhưng vẫn là chiến lược gia trưởng của công ty này. Một trong những sự kiện đám hàng năm của Alibaba thu hút rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước là hội thảo về thương mại điện tử Alifest.

“Vừng ơi, mở cửa ra ..."

Alibaba công bố khoảng giá cổ phiếu trong phiên chào bán ngày 18/9 sẽ dao động trong 60-66 USD/cổ phiếu, nhằm huy động số vốn 24,3 tỷ USD.

Theo hãng tin Bloomberg, vụ IPO lớn nhất lịch sử chứng khoán Mỹ gần đây nhất là công ty phát hành thẻ tín dụng Visa với 19,7 tỷ USD hồi năm 2008, trang mạng xã hội Facebook với 16 tỷ USD hồi năm 2012, và có thể vượt qua kỷ lục thế giới của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) với 22,1 tỷ USD hồi năm 2010.

Với khoảng biên độ giá cổ phiếu dự kiến này, giá trị thị trường của Alibaba sẽ ở mức từ 148-163 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị thị trường của cả hai “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ Mỹ Ebay và Amazon là 226 tỷ USD.

Nhà phân tích Henry Guo của JG Capital nhận định, các số liệu này đều thấp hơn dự đoán của Wall Street và Alibaba muốn xuất phát thấp để có cơ hội đẩy giá lên.

Nếu đợt IPO của Alibaba thành công như dự kiến của các chuyên gia thì Yahoo - cổ đông lớn thứ hai của Alibaba – và ngân hàng Softbank (Nhật Bản) sẽ “phất to”. Năm 2005, Yahoo đã chi một tỷ USD để có 40% cổ phần Alibaba nhưng đến năm 2012 thì đã bán lại cho chính công ty này 50% số cổ phần này, với giá 7,1 tỷ USD. Yahoo cho hay số cổ phiếu tối đa mà hãng sẽ bán khi Alibaba tiến hành IPO là 208 triệu thay vì 261,5 triệu như dự kiến.

Biểu tượng của Alibaba tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters


Cũng theo Alibaba, sau đợt IPO này, Yahoo sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,4% cổ phần xuống 16,3% cổ phần, trong khi SoftBank cũng sẽ giảm số cổ phần nắm giữ ở công ty này từ 34,1% xuống 32,4%. Còn ông chủ kiêm người sáng lập Jack Ma sẽ chỉ còn giữ 8,8% cổ phần của Alibaba.

Trong tài liệu cập nhật gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cuối tháng Tám vừa qua, Alibaba công bố doanh thu trong quý II/2014 tăng 46% so với cùng kỳ năm 2013 lên 2,54 tỷ USD, trong khi lãi ròng cũng tăng mạnh 60% lên gần 1,2 tỷ USD. Cũng trong quý này, lợi nhuận kinh doanh của Alibaba đạt 1,1 tỷ USD, cao hơn 42% so với con số tương ứng của cả eBay và Amazon cộng lại.

Nhà nghiên cứu Li Yujie tại Viện nghiên cứu RHB cho hay một số nhà đầu tư cá nhân và các quỹ nhỏ không thể đủ tiềm lực để mua cổ phiếu trong đợt IPO lần này nên đa số sẽ chờ mua đợt sau.

Còn theo hãng tin CNN (Mỹ), sau khi chào bán IPO, Alibaba với hàng tỷ USD thu về sẽ có thể tung hoành trên thị trường thương mại điện tử Mỹ. Chủ tịch công ty công nghệ Endpoint Technologies Associates, Roger Kay, cho rằng “Alibaba có đủ khả năng nếu muốn dùng tiền để lát đường sang Mỹ và có thể trở thành một thương hiệu tại đây".

Các chuyên gia kỳ vọng Alibaba có thể mở rộng thành công ở thị trường Trung Quốc ra quy mô toàn cầu. Chuyên gia Roger Entner của công ty phân tích Recon Analytics nhận định, "nếu có thể đưa sức mạnh hiện nay vượt ra khỏi phạm vi thị trường Trung Quốc thì Alibaba sẽ là thế lực đáng gờm trên thị trường thương mại điện tử thế giới".

Trước câu hỏi việc chọn thị trường công nghệ-thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Mỹ để thực hiện IPO, liệu có phải Alibaba đang “đặt viên gạch đầu tiên” cho chiến lược toàn cầu hóa hay không, ông Joel Backaler, Giám đốc điều hành Frontier Strategy Group, thành viên của Ủy ban Quốc Gia quan hệ Mỹ - Trung (NCUSCR), cho rằng thị trường quốc tế sẽ là mục tiêu dài hạn và Alibaba hiện vẫn sẽ tập trung hoạt động vào thị trường trong nước.

Bàn thân ông Jack Ma cũng khẳng định chiến lược trên bằng câu nói: “Với Alibaba, Trung Quốc là bữa ăn chính, còn những thị trường đã phát triển khác như Mỹ chỉ là bữa ăn phụ".

Đây không phải là một câu nói cho vui vì các nghiên cứu cho hay nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Trung Quốc - quốc gia có số thuê bao Internet lớn nhất thế giới (hiện ở mức 632 triệu và có thể vượt 850 triệu trong năm 2015) - đang gia tăng mỗi ngày nên tiềm năng khai thác của thị trường nội địa là rất lớn.

Hiện tại, Alibaba đang dẫn đầu ngành thương mại điện tử của Trung Quốc với hơn 95% thị phần C2C của quốc gia này (với Taobao) và hơn 50% thị phần B2C (với Tmall). Trong khi đó, dự đoán đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ lớn hơn cả Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức và Pháp cộng lại.


Anh Quân (Tổng hợp)
Alibaba chính thức trở thành công ty bán IPO lớn nhất
Alibaba chính thức trở thành công ty bán IPO lớn nhất

Cổ phiếu của Alibaba Group đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán New York (NYSE) với giá chốt phiên hôm cuối tuần tăng 38% so với mức dự kiến. Đây là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN