Theo phân tích của hãng RIA Novosti, tỷ lệ sử dụng đồng euro trong thanh toán quốc tế đã giảm xuống mức thấp lịch sử vào tháng 7.
Thống kê dữ liệu của SWIFT cho thấy tỷ lệ giao dịch xuyên biên giới liên quan đến đồng tiền phổ biến thứ hai thế giới đã giảm còn 24,4% vào tháng 7, sụt giảm 6,83 điểm phần trăm so với tháng trước đó.
Trong khi đó, thanh toán bằng đồng đô la Mỹ tăng lên 46,4%, còn giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng lên hơn 3% - mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu đang tăng trưởng đều đặn nhờ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa đồng nội tệ của họ.
SWIFT tiếp tục là công cụ chính để xử lý thanh toán toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ thống liên ngân hàng thay thế đã xuất hiện.
Nga bắt đầu phát triển hệ thống thanh toán quốc gia SPFS của riêng mình sau khi Mỹ trừng phạt nước này vào năm 2014. SPFS đảm bảo việc kết nối các lệnh tài chính giữa các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Thẻ thanh toán Mir của Nga đã được đưa vào lưu hành từ tháng 12/2015 và được sử dụng ở một số quốc gia.
Trung Quốc cũng có hệ thống thanh toán riêng, CIPS (Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới), trong khi Ấn Độ có SFMS (Hệ thống nhắn tin tài chính có cấu trúc). Nga và các đối tác thương mại của họ đã tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán, cũng như nỗ lực thiết lập một loại tiền dự trữ mới trong bối cảnh Moskva bị phương Tây trừng phạt gay gắt.