Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Sputnik, ông Stanislav Tarasov, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về Trung Đông cho biết tuyến đường sắt Rasht-Caspian, mới được khánh thành ở Iran, là một dự án quan trọng đối với nươcs này, đặc biệt là về ý nghĩa kinh tế của nó.
Hiện tại, dự án Rasht-Caspian là tuyến đường chính của Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế nối Vịnh Ba Tư với Biển Caspian.
Theo ông Tarasov, dự án này là tuyến đường sắt hiệu quả nhất có kết nối trực tiếp với Nga, có thể làm tăng đáng kể kim ngạch thương mại giữa Tehran và Moskva.
Vị chuyên gia đánh giá các nước có thể coi dự án Rasht-Caspian như một tuyến đường vận chuyển quốc tế và có thể được một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ quan tâm.
“Sự xuất hiện của một hành lang vận tải như vậy sẽ củng cố hệ thống an ninh khu vực. Về khía cạnh địa chính trị, Iran đang hoàn toàn thoát khỏi sự cô lập thương mại quốc tế”, ông Tarasov kết luận.
Tuyến đường sắt dài 37 km nối thành phố Rascht của Iran với Biển Caspian và Vịnh Ba Tư được khánh thành ở miền Bắc Iran vào ngày 20/6.
Bộ trưởng Giao thông Iran Mehrdad Bazrpash ca ngợi việc mở tuyến đường sắt Rasht-Caspian như một bước phát triển mang tính lịch sử. Tuyến đường sẽ thúc đẩy đáng kể năng lực vận chuyển hàng hóa của đất nước.
Nằm ở tỉnh Gilan của Iran gần bờ biển phía Nam của Biển Caspian, tuyến đường sắt này là một phần của Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (NSTC), mạng lưới giao thông dài 7.200 km kết nối các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.
Vào tháng 5/2023, Nga và Iran đã ký văn bản hoàn thành đoạn cuối của tuyến đường sắt với tuyến phía Tây của NSTC kéo dài từ Rasht đến Astara trị giá 1,7 tỷ USD.