Từ ngày 4/11, các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt trở lại chống Iran bắt đầu có hiệu lực.
Sự kiện này được nhận định sẽ chấm dứt thời kỳ Iran được hưởng các lợi ích kinh tế sau khi ký Thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với nhóm P5+1, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi vào đầu năm nay.
“Hôm nay, Iran có thể bán dầu và sẽ bán” - Tổng thống Rouhani tuyên bố ngày 5/11 - “Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh kinh tế. Chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù bắt nạt. Chúng ta phải đứng vững để chiến thắng”.
Trong khi đó, Đài Truyền hình quốc gia Iran phát sóng đoạn băng ghi lại cảnh các hệ thống phòng không, các khẩu đội chống máy bay tập trận trên một khu vực rộng lớn ở miền bắc Iran.
Cuộc tập trận này dự kiến kéo dài tới ngày 6/11 với sự tham gia của cả quân đội quốc gia và lực lượng bán quân sự Vệ binh Cộng hòa.
Các lệnh trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, nguồn cung cấp tài chính sống còn cho nền kinh tế, và các ngành quan trọng khác như tài chính - ngân hàng.
Ngay cả khi các lệnh trừng phạt chưa được nối lại, Iran đã rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Đồng nội tệ rial của Iran lao dốc đẩy giá cả mọi thứ hàng hóa, từ điện thoại di động cho tới dược phẩm tăng vọt. Đồng rial hiện giao dịch ở mức 145.000 rial-1 USD, so với 40.500 real – 1 USD 1 năm trước đây. Hỗn loạn kinh tế đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ hồi cuối năm 2017, khiến gần 5.000 người bị bắt, ít nhất 25 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ kể từ đó vẫn tiếp diễn.
Trước đó, ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời tuyên bố sẽ "trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất" đối với Tehran. Quyết định của ông Trump vấp phải sự phản đối của quốc tế, trong khi các bên ký kết còn lại đều khẳng định sẽ tiếp tục thực thi văn kiện này.
Việc khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong các biện pháp của Washington nhằm gây áp lực buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang trong khu vực. Trong khi đó, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này đều vì mục đích dân sự và bác bỏ mọi cáo buộc tài trợ cho khủng bố.
Trong một phản ứng, ngày 3/11, Nga ra tuyên bố nêu rõ làn sóng trừng phạt mới nhằm vào Iran do Washington công bố đã làm xói mòn nỗ lực liên tục của những thành viên còn lại trong thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm duy trì thỏa thuận này.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh chính sách của Mỹ phá vỡ các công cụ pháp lý quốc tế về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân, gây thất vọng và lo ngại sâu sắc. Theo Bộ Ngoại giao Nga, bằng hành động của mình, Mỹ đang giáng một đòn mạnh nữa vào Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và "đẩy văn kiện này tới bờ vực đổ vỡ", trong khi trước đó Washington từng nhiều lần kêu gọi cần được củng cố.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố không dao động trong việc ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran vì đó là một thỏa thuận tốt và đang vận hành. Hiện tại, các nước EU đang tiến hành các cuộc thương lượng nhằm bảo vệ quan hệ thương mại với Iran sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.