'Tửu lượng' của người Nga đã giảm từ 18 lít xuống còn 10,3 lít/năm

Tỷ lệ người Nga nghiện rượu liên tục giảm xuống trong những năm gần đây. Trong vòng 10 năm kể từ năm 2008,  “tửu lượng” của người Nga đã giảm từ 18 lít xuống còn 10,3 lít/năm tính theo đầu người. Hơn nữa có tới 54% người Nga ủng hộ lối sống lành mạnh và 49% số người tán thành lệnh cấm quảng cáo rượu.

Chú thích ảnh
 Rượu whiskey tại một xưởng sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Vậy nguyên nhân do đâu mà người dân Nga lại lựa chọn lối sống lành mạnh thay vì “truyền thống” trở thành “đệ tử Lưu Linh”?

Trở thành tệ nạn quốc gia

Nạn nghiện rượu từ lâu đã trở thành căn bệnh trầm kha, vấn đề nhức nhối trong xã hội Nga. Bất chấp việc Chính phủ Nga qua các thời kỳ đều ban hành nhiều chính sách, biện pháp quyết liệt đối phó với “ma men”, song số lượng người nghiện rượu không những không giảm mà còn tăng lên. 

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nga cho thấy chỉ tính riêng trong giai đoạn năm 1989 – 2008, tỷ lệ sử dụng rượu tính theo đầu người tăng 1,6 lần và lên mức 18 lít rượu nguyên chất/năm, cao hơn gấp đôi mức (8 lít) mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Vào thời điểm đó, khoảng gần 5 triệu người Nga nghiện rượu, chiếm 3,4% dân số, cao hơn 1,5 – 2 lần so với đa số các nước châu Âu. Tệ nạn nghiện rượu hủy hoại nghiêm trọng các nền tảng kinh tế - xã hội, đạo đức – tinh thần đời sống xã hội và an ninh quốc gia Nga.

Các số liệu thống kê về hậu quả do tệ nạn nghiện rượu gây ra đối với nước Nga trong những năm đầu thế kỷ XX khiến nhiều người phải giật mình. Số người phạm tội hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu dao động từ 10 - 12 triệu người, chiếm 7 -8% dân số. Trong khi đó, số người tử vong hằng năm do những nguyên nhân liên quan đến rượu lên tới từ 90 -  100.000 người, bao gồm 10.000 người chết vì các loại bệnh do rượu gây ra. Trung bình từ 33 -  34.000 người chết do ngộ độc rượu và khoảng 25.000 người thiệt mạng do những người say rượu lái xe gây ra.

Nguy hiểm hơn, số người nghiện rượu ngày càng trở nên phổ biến trong giới nữ và những người trẻ tuổi. Điều này ảnh hưởng khủng khiếp tới mối quan hệ gia đình và nuôi dạy con cái. Số liệu thông kê năm 2009 cho thấy trong tổng số 720.000 em đang sinh sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội có hơn 600.000 em thuộc diện mồ côi xã hội, có nghĩa là những em không có nơi nương tựa mặc dù bố mẹ vẫn đang sống nhưng bị tước quyền làm cha mẹ do sử dụng rượu quá mức.

Theo số liệu của Viện Tâm lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, hằng năm, ở Nga có khoảng 2 triệu trẻ em bị đối xử thô bạo do bố mẹ say rượu, và trong số đó có khoảng 50.000 em phải chạy trốn khỏi ngôi nhà của mình. 

Chính phủ Nga qua các thời kỳ cũng đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp đối phó với “ma men”, song đều thất bại. Ví dụ, vào năm 1958, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev đã cấm bán rượu trong căng-tin và các quầy ăn giá rẻ dành cho người lao động. Tiếp đó là các biện pháp mạnh mẽ hơn, gồm cắt giảm mạnh lượng vodka sản xuất trong nước và cấm bán rượu trước 12h trưa.

Trong lịch sử nước Nga hiện đại, ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình, ông Vladimir Putin đã ký ban hành hai luật phòng chống tác hại của rượu. Sự bất lực của chính quyền đã làm hình thành ý nghĩ trong dân chúng, thậm chí cả các nhà chức trách, rằng việc loại bỏ tệ nạn nghiện rượu ra khỏi đời sống xã hội Nga là hoàn toàn không khả thi bởi do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt.

Thành công với thay đổi tư duy

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đối phó với tệ nạn nghiện rượu trong xã hội Nga phải có chiến lược dài hơi, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hệ thống và đặc biệt phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và nhà thờ. Cần phải thay đổi tư duy đây là công việc riêng của nhà nước.

Xuất phát từ nhận thức đó, năm 2009, Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev yêu cầu chính phủ phải khẩn cấp áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng nghiện rượu trong dân chúng, mà theo ông đã trở thành “tệ nạn quốc gia”. Các giải pháp chủ yếu bao gồm: cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm rượu; đẩy mạnh cuộc chiến chống sản xuất và buôn bán rượu giả; tăng thuế mạnh; áp mức giá tối thiểu bán buôn đối với vodka (có nồng độ từ 37 đến 40 độ là 250 ruble/0,5 lít); cấm bán rượu từ 23h đến 8h sáng; bán cho trẻ vị thành niên (nếu vi phạm các tổ chức sẽ bị phạt 500.000 ruble) và bán tại các địa điểm gần trường học, trung tâm vui chơi giải trí, bệnh viện…; tăng mạnh mức phạt đối với với lái xe trong tình trạng say rượu.

Cụ thể, nếu lần thứ nhất bị bắt phạt 30.000 ruble (tương đương 500 USD) và tước giấy phép lái xe hai năm, nếu tái phạm trong năm thì số tiền phạt tăng gấp 10 lần, đồng thời bị  tước giấy phép lái xe hai năm và bị phạt tù hai năm).

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, xây dựng hàng trăm các công trình thể thao khắp cả nước, lôi kéo người dân tham gia phòng trào rèn luyện thể thao…

Ngoài ra, khuyến khích người dân, đặc biệt giới học sinh - sinh viên, tham gia các phòng trào xã hội, hăng hái đóng góp vào công tác tuyên truyền và thúc đẩy các dự án xây dựng lối sống lành mạnh cho giới trẻ. Hằng năm, có những ngày lễ liên quan đến thanh thiếu niên như ngày khai giảng (1/9), ngày bế giảng năm học (25/5), ngày Thanh niên (27/6)…nhiều nơi trên lãnh thổ Liên bang Nga cấm bán rượu. 

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống đã được sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội Nga. Kết quả công trình nghiên cứu qui mô lớn dưới sự bảo trợ của LHQ về sử dụng rượu được thực hiện tại 195 quốc gia trong vòng 25 qua cho thấy người dân các nước châu Âu như Đan Mạch, Đức, Na Uy…uống rượu nhiều nhất, trong khi người dân xứ sở Bạch Dương tiếp tục “tụt hạng” xuống đứng ở vị trí thứ 6.

Trong vòng 10 năm kể từ năm 2008,  “tửu lượng” của người Nga đã giảm từ 18 lít xuống còn 10,3 lít/năm tính theo đầu người. Hơn nữa có tới 54% người Nga ủng hộ lối sống lành mạnh và 49% số người tán thành lệnh cấm quảng cáo rượu. Theo tiến sĩ Melita Vujnovic, đại diện của WHO tại Nga, tỷ lệ người dân hút thuốc và uống rượu giảm hằng năm tại Nga là rất ấn tượng và nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, trong khoảng 10 năm tới, tỷ lệ này ở Nga có thể ngang bằng với tỷ lệ ở các nước vùng Scandinavia và Mỹ. Kết quả này có được là do Chính phủ Nga áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ năm 2009.

Chưa hài lòng với kết quả đã đạt được, Chính phủ Nga đang thúc đẩy nhiều dự án hướng đến mục tiêu tỷ lệ nghiện rượu tính theo đầu người xuống còn 8 lít/năm vào năm 2025.

Dương Trí (TTXVN)
Tổng thống Trump 'nói không' với  rượu bia vì sợ mất kiểm soát
Tổng thống Trump 'nói không' với rượu bia vì sợ mất kiểm soát

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông không bao giờ uống rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN