Sau Tết phải xử lý mạnh tay vi phạm nồng độ cồnTheo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, trong 7 ngày Tết Mậu Tuất 2018, toàn quốc xảy ra 218 vụ TNGT, làm chết 195 người, bị thương 199 người (bình quân 28 người/ngày). Con số đau lòng này bên cạnh nguyên nhân do nhu cầu đi lại của người dân tăng, thì nguyên nhân hàng đầu là do tình trạng sử dụng rượu bia quá mức của không ít người dân trước khi tham gia giao thông.
Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý “Tết mà” của thanh niên ở các địa bàn nông thôn, đã khiến cho các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện dễ dàng xảy ra như: Sử dụng quá mức cho phép, đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chạy, chở quá số người quy định...
CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Ủy ban ATGTQG. |
Thực tế, tại nhiều tuyến giao thông ở các địa phương, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các hành vi vi phạm trên diễn ra phổ biến
Thống kê của số nạn nhân vị TNGT được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tăng nhiều hơn so với Tết Đinh Dậu. Qua xét nghiệm máu của 130 nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, có đến 55 trường hợp dương tính với chất cồn, với nồng độ cao hơn mức cho phép, trong đó có cả nữ giới. Con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có những nạn nhân từ địa phương xa chuyển đến, cấp cứu không kịp thời, rất lâu sau khi tai nạn xảy ra mới lấy máu xét nghiệm nên khó xét nghiệm được chất cồn.
Bên cạnh thực tế này, có thể thấy nguyên nhân khách quan là do lực lượng chức năng chưa xử lý nghiêm vi phạm nồng đồ cồn trong dịp Tết, còn tâm lý xuê xoa, bỏ qua việc xử phạt. Đơn cử như vụ TNGT liên hoàn giữa 2 ô tô và xe máy xảy ra trên QL1, đoạn qua xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngày mồng 3 Tết khiến 9 người bị thương.
Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Trương Hòa Bình đã có công điện gửi các cơ quan chức năng yêu cầu tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm ATGT, ngăn chặn tai nạn, tập trung tuyên truyền, cảnh báo TNGT do lạm dụng rượu bia, đã góp phần nâng cao ý thức người dân hơn khi tham gia giao thông dịp Tết, qua đó TNGT giảm rõ rệt.
Thống kê của Ủy ban ATGTQG cũng cho thấy Hải Dương là một trong những địa phương có số người bị TNGT liên quan đến rượu bia cao nhất. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong 5 ngày từ ngày 14 - 18/2 (tức 29 – mồng 3 Tết Nguyên đán) đã tiếp nhận 600 bệnh nhân đến cấp cứu, trong đó có 110 người nhập viện do tai nạn giao thông, 5 trường hợp phải chuyển lên tuyến Trung ương. Các trường hợp bị TNGT đều sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông…
Có thể thấy, mỗi dịp Tết đến, ở thành phố rất vắng, còn vùng nông thôn lại đông, khiến giao thông phức tạp. Việc tuyên tuyền người dân khi đã uống rượu bia thì không lái xe cần làm sâu rộng, duy trì liên tục dịp trước, trong và sau Tết.
Trước thực tế trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, dịp sau Tết tới đây, lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay, kiên quyết để răn đe các hành vi vi phạm nồng độ cồn phổ biến nêu trên.
Uống bao nhiêu rượu bia sẽ bị phạt khi lái xe?
Nhiều người dân hiện nay vẫn còn mơ hồ về việc xử phạt lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Như vậy, uống bao nhiêu rượu bia sẽ bị phạt khi lái xe?
Theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, thiết bị đo nồng độ cồn từ hơi thở trong phổi, người uống ít vẫn có thể bị xử phạt.
Đối với người điều khiển ô tô, nếu nồng độ cồn từ 50 - 80 miligam/100 mililít máu (hoặc quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở), người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 7 - 8 triệu đồng, treo bằng lái 3 - 5 tháng. Đặc biệt, nếu người lái xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc cao hơn 0,4 miligam/lít khí thở) sẽ bị phạt 16 - 18 triệu đồng, tước bằng lái 4 - 6 tháng.
Đối với người điều khiển xe gắn máy, người lái xe máy sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở), hình phạt bổ sung là tước bằng lái từ 1 - 3 tháng. Phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng đối với người đi xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở), đồng thời bị thu bằng lái xe từ 3 - 5 tháng.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Một đơn vị này tương đương một ly rượu mạnh (40 độ, 30 ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); một vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml). Như vậy, mỗi người chỉ được uống từ 1 – 1,5 lon bia trước khi tham gia giao thông để tránh bị phạt. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu/hơi thở còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người.