Tướng Ukraine tiết lộ cách UAV phá huỷ oanh tạc cơ trị giá 100 triệu USD của Nga

Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), tướng Oleksandr Syrsky cho biết một thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine đã phá hủy máy bay ném bom Liên bang Nga trị giá 100 triệu USD.

Chú thích ảnh
Hình ảnh chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Liên bang Nga bị rơi hôm 19/4/2024. Ảnh minh hoạ cắt từ clip Pravda/X

Báo The Kyiv Post chiều 9/4, theo giờ địa phương dẫn tuyên bố của Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), tướng Oleksandr Syrsky, cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng một thiết bị bay không người lái phá hủy một chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 (NATO định danh là Backfire) – một loại máy bay mang tên lửa hành trình Kh-22 của Liên bang Nga.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông LB.ua, tướng Syrsky nói: “Vài ngày trước, các hành động thành công của chúng tôi đã phá hủy chiếc máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3”.

Tướng Syrsky cho biết chiếc máy bay vừa hạ cánh thì bị thiết bị bay không người lái của Ukraine tấn công.

“Chiếc UAV của chúng tôi đã đánh trúng nó. Giá trị (của máy bay) vào khoảng 100 triệu USD”, tướng Syrsky cho biết thêm.

Tu-22M3, là máy bay ném bom chiến lược có từ thời Liên Xô, được đưa vào sử dụng từ năm 1982, được thiết kế để mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường.

Chiếc oanh tạc cơ này có khả năng trang bị các loại tên lửa Kh-22, Kh-15, Kh-32, cũng như bom dẫn đường KAB-500, và vẫn là một thành phần chủ chốt trong chiến dịch không kích tầm xa của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine.

Tướng Syrsky không nêu rõ loại thiết bị bay không người lái được sử dụng hoặc vị trí vụ tấn công diễn ra.

Phía Liên bang Nga chưa đưa ra bình luận lập tức về thông tin do Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), tướng Oleksandr Syrsky đưa ra ở trên.

Trước đó, theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, vào ngày 2/4, một chiếc Tu-22M3 của nước này đã rơi tại vùng Irkutsk trong một chuyến bay theo lịch trình. Chiếc máy bay này rơi gần làng Buret, nguyên nhân ban đầu được cho là trục trặc kỹ thuật.

Theo Thống đốc vùng Irkutsk, ông Igor Kobzev, toàn bộ 4 thành viên phi hành đoàn đã nhảy dù thoát khỏi máy bay, nhưng 1 người thiệt mạng.

Vụ tai nạn này đã làm hư hại một đường dây điện, khiến hơn 200 hộ dân và nhiều cơ sở thiết yếu, bao gồm cả một trường học, bị mất điện.

Trong khi truyền thông nhà nước Liên bang Nga nói rằng không có hỏa hoạn, các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lửa và khói bốc lên từ hiện trường vụ tai nạn.

Xem video chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Liên bang Nga bị rơi hôm 19/4/2024. Nguồn: Pravda/X

Gần một năm trước, vào ngày 19/4/2024, lực lượng Ukraine lần đầu tiên bắn hạ một chiếc Tu-22M3 kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các nguồn tin từ báo The Kyiv Post xác nhận rằng chiến dịch do Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine (HUR) lên kế hoạch và thực hiện.

Một hệ thống tên lửa phòng không S-200 đã được sử dụng để bắn trúng chiếc máy bay ở khoảng cách 300 km từ lãnh thổ Ukraine, theo báo The Kyiv Post.

Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine, cho biết máy bay ném bom của Liên bang Nga đang trở về căn cứ sau khi phóng tên lửa tấn công thành phố Odesa, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng dân sự.

Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine cho biết loại tên lửa này từng được dùng để tấn công máy bay cảnh báo sớm tầm xa A-50 của Nga. Dù bị bắn trúng, chiếc Tu-22M3 vẫn cố quay về căn cứ nhưng cuối cùng rơi xuống khu vực Stavropol của Liên bang Nga.

Đoạn video quay lại cảnh chiếc máy bay rơi xoáy tròn trong biển lửa được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Ukraine và Liên bang Nga.

Khi đó, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố rằng máy bay rơi là do trục trặc kỹ thuật sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, và rằng không có vũ khí nào trên khoang.

Ukraine đặt ra ranh giới trước khi đàm phán về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ
Ukraine đặt ra ranh giới trước khi đàm phán về thỏa thuận khoáng sản với Mỹ

Kiev quyết không đánh đổi tài nguyên quốc gia lấy viện trợ Mỹ. Ukraine tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận khoáng sản nếu phù hợp với lợi ích chiến lược và hội nhập EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN