Tướng Mỹ thừa nhận: Cuộc chiến Libi đang bế tắc

Phát biểu trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ tối 7/4, tướng Carter Ham - Tư lệnh Mỹ tại châu Phi đồng thời là chỉ huy giai đoạn đầu của chiến dịch không kích Libi - nhận định: Lực lượng đối lập tại Libi khó có thể đánh bại được quân đội chính phủ và cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này đang trong thế bế tắc.

Quân nổi dậy tại một căn cứ ở cửa ngõ thành phố Benghazi ở phía đông Libi. Ảnh: AFP/TTXVN


Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang lo ngại cuộc chiến tại Libi sẽ kéo dài và lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Libi, Moamer Kadhafi, đứng vững tại thủ đô Tripôli và miền tây, trong khi lực lượng đối lập - đang kiểm soát miền đông - không thể lật ngược thế cờ kể cả khi được sự hỗ trợ từ hỏa lực của NATO.

Trước tình hình này, ngày 8/4 (giờ VN), thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và các thượng nghị sĩ khác trong Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã chỉ trích hành động quân sự của Mỹ tại Libi là nửa vời và cho rằng cần nhanh chóng lật đổ ông Kadhafi. Tuy nhiên, tướng Ham cho biết Nhà Trắng đang ưu tiên dùng các giải pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế để buộc ông Kadhafi từ chức, vì Mỹ đã từng vấp phải bài học xương máu về việc dùng quân sự lật đổ chế độ, trong đó Irắc là một ví dụ. Ông Ham cho rằng liên quân có thể triển khai lực lượng trên bộ sau khi nhà lãnh đạo Kadhafi từ chức, song cảnh báo sự hiện diện thêm của quân đội Mỹ sẽ châm ngòi cho làn sóng phản đối mới ở khu vực này.

Lực lượng nổi dậy ở Libi tháo chạy khỏi thành phố Ajdabiya ngày 7/4 sau khi nhận được thông tin quân chính phủ đang tiến tới thành phố này.Ảnh: AFP/TTXVN


Đưa tin về chiến sự tại Libi, hãng AFP ngày 8/4 cho biết: Lực lượng đối lập tại Libi đã buộc phải rời khỏi Ajdabiya sau khi có thông tin (chưa được kiểm chứng) rằng lực lượng chính phủ đang tiến đến bên ngoài thành phố miền đông này. Những đoàn xe quân sự chở quân lũ lượt đổ về hướng đông bắc, tới Benghazi - thành trì của lực lượng nổi dậy, cách Ajdabiya khoảng 160 km. Phe đối lập ở Benghazi đang sử dụng tàu đánh cá và tàu kéo để phân phối lương thực, thuốc men, vũ khí, đạn dược và binh lính cho lực lượng của họ đang cố thủ tại thành phố này. Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt giữa quân nổi dậy với lực lượng chính phủ Libi tại thành phố lớn thứ ba là Misrata. Cùng ngày, một chiếc tàu của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã tới Misrata mang theo 600 tấn lương thực, đủ để cung cấp cho hơn 40.000 người trong vòng một tháng. Trước đó, người phát ngôn của phe đối lập Libi cho biết, một chiếc tàu của Pháp chở trang thiết bị y tế cũng đã cập cảng Misrata. Các nguồn tin từ Libi cũng xác nhận sau khi tiến đến gần thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, lực lượng nổi dậy đã bị quân đội chính phủ đẩy lùi gần 400 km.

Về các vụ không kích nhầm của NATO tại thành phố dầu mỏ Brega ở miền đông, lực lượng nổi dậy đã chỉ trích hành động trên và cho rằng các cuộc không kích của NATO chủ yếu nhằm vào phía đông Brega, trong khi quân đội của nhà lãnh đạo Kadhafi đang tấn công từ phía tây. Phản ứng trước lời cáo buộc của phe đối lập Libi, từ Brúcxen, NATO tuyên bố sẽ tấn công bất cứ lực lượng nào đe dọa dân thường. Tuy nhiên, NATO cũng thông báo đang tìm cách xác minh thông tin trên.

Đáp lại nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Libi, ngày 8/4, phe đối lập đã bác bỏ khả năng thương lượng với nhà lãnh đạo Kadhafi và yêu cầu ông Kadhafi từ chức. Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo đang chuẩn bị một “lộ trình” nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Libi, trong đó bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn và lực lượng của ông Kadhafi phải rút khỏi một số thành phố.
Theo tin từ Oasinhtơn, cựu nghị sĩ Mỹ Curt Weldon cũng đang ở thăm Libi với mục tiêu làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước này. Ông Weldon đã tiếp xúc với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ Libi, trong đó có hai con trai của nhà lãnh đạo Kadhafi và tất cả đều bày tỏ mong muốn hòa bình. 

 H.H
Phe đối lập Libi bác bỏ đàm phán với nhà lãnh đạo Kadhafi
Phe đối lập Libi bác bỏ đàm phán với nhà lãnh đạo Kadhafi

Đáp lại nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn, phát ngôn viên lực lượng đối lập của Libi ngày 8/4 (giờ Việt Nam) tuyên bố, phe này bác bỏ khả năng đàm phán với nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi và yêu cầu ông ta từ bỏ quyền lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN