Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, theo đề nghị của NATO, Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc không kích vào Libi đến hết ngày 4/4 do “thời tiết xấu trong những ngày qua”. Trong khi đó, theo hãng AP, một quan chức giấu tên của NATO tiết lộ Oasinhtơn đã lên kế hoạch bắt đầu rút các máy bay chiến đấu và tên lửa Tomahawk khỏi chiến dịch Bình minh Odyssey vào cuối tuần này, chuyển sang “vai trò hỗ trợ” trong cuộc chiến Libi do NATO đã đảm trách quyền chỉ huy chiến dịch. Việc cung cấp máy bay chiến đấu cho hoạt động không kích Libi sẽ do Anh, Pháp và các đồng minh trong khối NATO đảm nhận.
Quân nổi dậy Libi tại cửa ngõ vào thành phố Brega ngày 4/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Các nguồn thạo tin cho hay, kể từ khi bắt đầu đảm nhận quyền chỉ huy chiến dịch Libi vào ngày 31/3, NATO đã tiến hành ít nhất 547 lần xuất kích, trong đó có hơn 200 lần tấn công. Liên minh quân sự này cũng đã điều động 21 tàu chiến để tuần tra vùng Địa Trung Hải. Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng về hưu James Jones, đã thừa nhận mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự tại Libi là lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi.
Về phía Tripôli, ngày 4/4, Thứ trưởng Ngoại giao Libi Abdelati Obeidi tuyên bố chính phủ Libi muốn chấm dứt giao tranh. Thông điệp này được ông Obeidi đưa ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tại thủ đô Aten. Đánh giá về động thái trên, Ngoại trưởng Hy Lạp Dimitris Droutsas nhận định chính phủ Libi đang tìm kiếm sự ủng hộ cho một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị. Theo kế hoạch, sau Hy Lạp, ông Obeidi sẽ đến Manta và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, trong hai ngày qua, Thủ tướng Papandreou đã điện đàm với các quan chức Libi và một số quốc gia khác gồm Cata, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Đưa tin về chiến sự tại Libi ngày 4/4, phóng viên AFP cho biết, thành phố dầu mỏ chiến lược Brega đang rung chuyển trong hàng loạt vụ nổ lớn do giao tranh dữ dội giữa lực lượng chính phủ Libi và phe nổi dậy. Lực lượng nổi dậy đã dựng một trạm kiểm soát tại trường đại học Brega trong khi quân chính phủ giao chiến bằng pháo hạng nặng. Trước đó, phe đối lập đã lui về Brega trong một động thái mà họ gọi là “rút lui chiến thuật” sau khi bị quân chính phủ phục kích. Hầu hết các tay súng thừa nhận họ là sự tập hợp của những người không được huấn luyện quân sự, không có kỷ luật và kiến thức quân sự, không có chỉ huy và chỉ dựa vào một số các thành viên đào ngũ từ quân đội chính phủ, vì vậy rất khó giành được lợi thế trước quân chính quy của chính phủ.
Một quả rốckét do lực lượng ủng hộ chính phủ Libi bắn đi trong cuộc giao tranh gần thành phố Brega. Ảnh: AFP-TTXVN |
Một thủ lĩnh của lực lượng chống chính phủ, cựu tư lệnh không quân Libi đã đào ngũ, Al-Libie, cho biết các tay súng đang tổ chức lại hàng ngũ và họ đã thành lập lữ đoàn đầu tiên bao gồm các cựu quân nhân chính phủ. Tuy nhiên, ông Al-Libie không tiết lộ quân số của lữ đoàn này. Các nguồn thạo tin còn tiết lộ các tay súng đang triển khai cả vũ khí hạng nặng tại Brega. Tại thành phố lớn thứ ba Misrata, phe đối lập cho biết họ vẫn đang kiểm soát trung tâm thành phố và bến cảng, tuy nhiên quân chính phủ vẫn đang siết chặt vòng vây.
Trong khi đó, thời báo New York (Mỹ) số ra ngày 4/4 đưa tin, ít nhất hai người con trai của nhà lãnh đạo Kadhafi là Seif al-Islam và Saadi đã đề xuất nước này chuyển sang một nền cộng hòa lập hiến, trong đó bao hàm việc ông Kadhafi từ bỏ quyền lực. Hiện chưa rõ ông Kadhafi có đồng ý với đề xuất mà hai người con của ông ủng hộ hay không. Tuy nhiên, theo tờ báo, một nhân vật thân cận với Seif al-Islam và Saadi nói rằng nhà lãnh đạo Kadhafi dường như sẵn sàng xúc tiến kế hoạch này.
Tuy nhiên, Hội đồng Quốc gia của phe nổi dậy đã ngay lập tức bác bỏ hoàn toàn đề xuất của hai con trai ông Kadhafi. Người phát ngôn Shamseddin Abdulmelah của lực lượng nổi dậy đưa ra tuyên bố tại thành phố miền đông Benghazi (thành trì của phe đối lập) rằng: “Ông Kadhafi và các con trai phải từ bỏ quyền lực trước khi diễn ra bất kỳ các cuộc thương lượng ngoại giao nào”.
Trong một diễn biến khác, chính quyền của nhà lãnh đạo Kadhafi hiện cũng đang phải đối mặt với một khó khăn mới sau khi nguyên Ngoại trưởng Libi Ali Treiki, hiện đang giữ vai trò cố vấn, đã thông báo từ bỏ chính phủ. Ông Treiki từng là đại diện của Libi tại LHQ và từng đảm nhận chức Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Ngoài ra, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Libi, ông Abdul Maserati-La Bidi cũng đã chính thức từ bỏ chính quyền của nhà lãnh đạo Kadhafi và trốn sang nước láng giềng Tuynidi, sau đó đáp máy bay tới thủ đô Aten (Hy Lạp).
Cùng ngày, Anh tuyên bố đã cử một nhóm các nhà ngoại giao tới Libi để tiếp xúc với các thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy ở Benghazi. Phái đoàn đã tới Libi hôm 3/4 và do Đại sứ Anh tại Rôma Christopher Prentice dẫn đầu. Người phát ngôn của phe đối lập tại Libi cũng đã xác nhận thông tin này, song từ chối tiết lộ mục đích của chuyến đi. Trước đó, một đại sứ Pháp và một đặc phái viên của Mỹ cũng được thông báo là đã có mặt tại Benghazi.
H.H (Tổng hợp)