Tunisia: Nhiều chính đảng tẩy chay bầu cử cơ quan lập pháp

Ngày 19/9, một liên minh gồm 5 đảng phái chính trị đối lập ở Tunisia, bao gồm cả đảng Công nhân và Al-Joumhouri, thông báo sẽ tẩy chay cuộc bầu cử cơ quan lập pháp của nước này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tới do cuộc tranh cãi về sắc lệnh sửa đổi Luật Bầu cử mà Tổng thống Tunisia Kais Saied vừa đưa ra. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Tunisia Kais Saied (giữa) chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia tại thủ đô Tunis ngày 30/3/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 15/9, Tổng thống Saied đã ban hành một sắc lệnh về sửa đổi Luật Bầu cử ở Tunisia được cho là làm giảm đáng kể vai trò của các đảng chính trị sẽ tham gia vào cuộc bầu cử lập pháp. Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo đảng Al-Joumhouri, ông Issam Chebbi cho rằng cuộc bầu cử trên "đại diện cho giai đoạn cuối của chương trình nghị sự chính trị do ông Saied áp đặt" 

Đầu tháng 9, Mặt trận Cứu nguy quốc gia, một liên minh của các đảng đối lập ở Tunisia bao gồm cả đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahdha, đã tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử lập pháp trước cả khi Luật Bầu cử mới gây tranh cãi được công bố. 

Sắc lệnh sửa đổi Luật Bầu cử vừa được Tổng thống Tunisia ban hành có nhiều thay đổi lớn so với Luật bầu cử được áp dụng từ tháng 5/2014, trong đó có việc hủy bỏ hệ thống bầu cử dựa trên danh sách các chính đảng để thay thế bằng hệ thống bầu cử trực tiếp dựa trên cá nhân. Ngoài ra, sắc lệnh mới cũng quy định giảm số ghế trong Quốc hội từ 217 ghế xuống còn 161 ghế, đồng thời nâng tổng số đơn vị bầu cử lên 161 (bao gồm 151 đơn vị ở trong nước và 10 đơn vị dành cho công dân sinh sống ở nước ngoài). Số ghế quốc hội dành cho mỗi tỉnh cũng khác nhau, tùy theo quy mô dân số. 

Ngoài ra, các sửa đổi còn bao gồm các điều kiện đối với ứng cử viên và cử tri, việc giới thiệu và tiến cử ứng cử viên, bãi nhiệm những nghị sĩ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm các quy tắc ứng xử nhất định. Theo quy định mới, các ứng cử viên phải là công dân Tunisia từ 23 tuổi trở lên, không có tiền án tiền sự và không phải là thành viên chính phủ, người đứng đầu Văn phòng chính phủ, thẩm phán, người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự, thống đốc tỉnh, các quan chức chính quyền cấp tỉnh, lãnh tụ Hồi giáo, chủ tịch các câu lạc bộ và hiệp hội thể thao…. Nếu muốn tranh cử, các ứng viên thuộc các đối tượng trên sẽ phải từ bỏ chức vụ ít nhất một năm trước đó.

Trung Khánh (TTXVN)
Hiến pháp mới của Tunisia có hiệu lực
Hiến pháp mới của Tunisia có hiệu lực

Ngày 16/8, Cơ quan bầu cử độc lập Tunisia (ISIE) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/7 về Hiến pháp mới của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN