Khoảng 11.000 điểm bỏ phiếu trên khắp quốc gia Bắc Phi này đã mở cửa từ 6h giờ địa phương (tức 12h giờ Việt Nam) và dự kiến đóng cửa lúc 22h cùng ngày 25/7.
Theo Ủy ban bầu cử, khoảng 9,3 triệu trong số 12 triệu người dân Tunisia đủ điều kiện tham gia cuộc trưng cầu ý dân. Trong đó, khoảng 356.000 người đã đăng ký bỏ phiếu ở nước ngoài từ ngày 23/7.
Cuộc trưng cầu ý dân là điểm mấu chốt trong kế hoạch của Tổng thống Saied về việc cải tổ hệ thống chính trị của Tunisia. Sự kiện diễn ra đúng một năm sau ngày ông Saied giải tán chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi, đình chỉ hoạt động của Quốc hội và nắm quyền điều hành đất nước.
Tuy nhiên, hiện các đối thủ của Tổng thống Saied đều kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu này, trong khi các nhà quan sát cũng dự đoán nhiều người dân Tunisia sẽ không tham gia sự kiện. Theo giới phân tích, vấn đề lớn nhất trong cuộc trưng cầu ý dân lần này là tỷ lệ người đi bỏ phiếu.
Dự thảo Hiến pháp có nội dung thay thế hệ thống tổng thống-nghị viện được ghi trong Hiến pháp năm 2014 và trao quyền hành pháp tối cao cho tổng thống. Điều này đồng nghĩa với việc tổng thống có quyền chỉ định chính phủ mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội. Ngoài ra, tổng thống cũng sẽ đứng đầu các lực lượng vũ trang và có quyền bổ nhiệm các thẩm phán.