Hàng nghìn người đã tham gia mít tinh, tuần hành nhân Ngày Quốc tế Lao động trên nhiều ngả đường ở trung tâm thủ đô Moskva. Hoạt động này do đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), Liên đoàn các sỹ quan Xô viết, Phong trào ủng hộ quân đội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin và các tổ chức xã hội, công đoàn phát động.
Những người tham gia mang theo các khẩu hiểu như “Ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động muôn năm”, “Nước Nga, lao động, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”, “Vì công bằng xã hội! Vì một cuộc sống ấm no!”… Cuộc tuần hành và mít tinh đã diễn ra trong trật tự và hòa bình.
Cùng ngày, Chủ tịch đảng Cộng sản LB Nga Gennady Ziuganov đã có thư chúc mừng nhân ngày lễ tháng 5. Trong thư, Chủ tịch Genady Ziuganov cho rằng “Ngày Mùng 1 tháng Năm là một ngày đặc biệt đối với tất cả những người đã quen sống bằng lao động của mình, những người đang tìm kiếm sự thật và công bằng trong xã hội.
Và ngày nay, lý tưởng của những người đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội mang tính thực tế cao. Tất cả chúng ta đều cần có dân chủ và lao động tự do, tiền lương xứng đáng và đảm bảo quyền lợi của người lao động, cần có sự hỗ trợ cho thanh niên và tôn trọng người về hưu...".
Theo ông Ziuganov, năm nay, ngày đoàn kết quốc tế của người lao động vừa tròn 130 tuổi, với việc Đại hội Quốc tế cộng sản II nhóm họp ở Paris (Pháp) năm 1889 đã quyết định chọn ngày 1/5, ngày vào năm 1886 diễn ra cuộc biểu tình, bãi công lớn của công nhân thành phố Chicago Mỹ đòi bảo đảm quyền lợi của người lao động song bị đàn áp dã man, là Ngày Quốc tế Lao động.
Một phần tư thế kỷ sau, V.I. Lenin gọi đó là một ngày lễ vĩ đại của những người lao động trên toàn thế giới, những người đã ăn mừng "sự thức tỉnh của họ đối với ánh sáng và kiến thức, sự thống nhất của họ thành một liên minh anh em để đấu tranh chống lại mọi áp bức.
* Trong khi đó, tại Pháp, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra tại thủ đô Paris khi hàng nghìn người đã biến cuộc tuần hành hằng năm nhân Ngày quốc tế Lao động thành biểu tình phản đối chính phủ.
Một số nghiệp đoàn và những người biểu tình “Áo vàng” đã xuống đường biểu tình chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố một số đề xuất nhằm giải quyết bất ổn xã hội, trong đó có biện pháp giảm thuế thu nhập trị giá 5 tỷ euro (5,5 tỷ USD) cho những lao động thuộc tầng lớp trung lưu. Đụng độ diễn ra trong khoảng 90 phút.
Nhiều người biểu tình quá khích ném chai lọ và các đồ vật khác về phía cảnh sát, buộc lực lượng này dùng hơi cay để giải tán đám đông. Theo hãng tin Pháp AFP, một người biểu tình đã bị thương. Sáng 1/5, cảnh sát cho biết đã bắt giữ khoảng 90người để thẩm vấn. .
Phong trào biểu tình của những người "Áo vàng" nổ ra tại Pháp từ trung tuần tháng 11/2018, xuất phát từ làn sóng phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu trước khi nhanh chóng lan rộng thành một chiến dịch biểu tình hằng tuần nhằm phản đối các chính sách của chính phủ. Các cuộc biểu tình thường kết thúc trong đụng độ và nhiều tài sản công bị phá hoại.
* Tại Tây Ban Nha, một số công đoàn nhân các cuộc tuần hành ngày 1/5 để kêu gọi đảng Công nhân xã hội tăng lương và xóa bỏ những quy định lao động cứng rắn. Đảng Công nhân xã hội Tây Ban Nha của Thủ tướng đương nhiệm Pedro Sanchez nhiều khả năng sẽ dẫn dắt chính phủ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức ngày 28/4 vừa qua.