Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Đô đốc Harris cũng bày tỏ tin tưởng quân đội Mỹ có thể đánh bại bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa nào của Triều Tiên nhằm vào các nhóm tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng đề xuất nên cân nhắc lắp đặt thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hawaii, cảnh báo về trường hợp Triều Tiên có năng lực quân đội tương ứng với các tuyên bố từng đưa ra về việc vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Tên lửa đánh chặn được phóng từ bệ phóng thuộc một bộ phận của hệ thống THAAD. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận việc đã bắt đầu lắp đặt THAAD. Trong thông cáo, bộ này cho biết quyết định triển khai các bộ phận của hệ thống mà không cần xây dựng các cơ sở hỗ trợ. Thông cáo được đưa ra sau khi sáng cùng ngày, 6 xe tải chuyên dụng chở các thiết bị chính của THAAD, như các bệ phóng di động và bộ phận radar, đã tiến vào huyện Seongju , tỉnh Bắc Gyeongsang, cách cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam.
Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức phản đối và bày tỏ quan ngại sâu sắc đồng thời hối thúc Mỹ và Hàn Quốc rút lại hệ thống phòng thủ này. Trong khi đó, Triều Tiên cảnh báo nếu chiến tranh bùng phát trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nghiệm vì mang tới khu vực này quá nhiều vũ khí chiến lược và phương tiện chiến tranh đặc biệt.
Mỹ đã bắt đầu đưa những bộ phận đầu tiên của THAAD tới Hàn Quốc hồi đầu tháng 3 sau khi Triều Tiên phóng thử 4 tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, quân đội 2 nước không muốn thảo luận công khai về quá trình triển khai do các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đang thảo luận về việc nên tiếp tục việc này hay lùi lại cho tới sau cuộc bầu cử vào ngày 9/5 tới.
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay.