Theo tờ New York Times, ở Nam Mỹ, lưu vực Amazon đang bốc cháy. Nửa vòng thế giới ở miền Trung châu Phi, các mảng thảo nguyên rộng lớn cũng đang cháy rừng rực. Khu vực Bắc Cực ở Siberia cũng cháy, thậm chí với tốc độ lịch sử.
Video hình ảnh cháy rừng Amazon (nguồn: Time):
Mặc dù cháy rừng ở Brazil đã trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế toàn diện nhưng đó chỉ là một trong nhiều khu vực quan trọng khắp thế giới đang xảy ra cháy rừng. Cháy rừng lan tới nhiều nơi với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng và chưa từng xảy ra trước đây.
Ông John Abatzoglou, Phó Giáo sư khoa địa lý thuộc trường Đại học Idaho, nói: “Nhiệt độ nóng hơn, khô hơn đang tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây cháy. Sẽ có rủi ro xảy ra các đám cháy rừng lớn và không thể kiểm soát trên toàn cầu nếu xu hướng ấm lên tiếp tục”.
Cháy rừng khiến biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn vì không chỉ thải ra CO2 vào bầu khí quyển và còn có thể khiến cây cối, thực vật chết, từ đó giảm khả năng hấp thu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cháy rừng khắp thế giới
Từ tháng 7, lửa đã biến 6 triệu mẫu rừng Siberia (Nga) thành than. Ở Alaska (Mỹ), cháy rừng đã thiêu đốt hơn 2,5 triệu mẫu rừng tuyết và lãnh nguyên, khiến các nhà nghiên cứu cho rằng cả biến đổi khí hậu và cháy rừng có thể vĩnh viễn thay đổi rừng trong khu vực.
Bắc Cực cũng đang ấm lên với tốc độ gấp đôi bình thường như các khu vực khác trên thế giới. Một số nghiên cứu cho rằng khi khí hậu ấm lên, sẽ có nhiều sét và sẽ có thể là nguyên nhân gây cháy rừng.
Một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cháy rừng xảy ra ở những nơi trước đây hầu như chưa từng cháy và có thể khiến biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn khi thải ra một lượng lớn CO2.
Mặc dù rừng Amazon thường được coi là lá phổi thế giới nhưng những cánh rừng như ở Siberia cung quan trọng với hệ thống khí hậu toàn cầu không kém rừng mưa nhiệt đới.
Một lý do khiến cháy rừng ở Bắc Cực đặc biệt đáng lo ngại nằm ở chỗ: ngoài việc thiêu đốt cây cỏ, cháy rừng còn đốt cả than bùn và thải ra nhiều CO2 hơn nhiều so với cây cháy. Trước đây, cháy than bùn ở khu vực phía Bắc là hiếm xảy ra vì độ ẩm cao. Tuy nhiên, giờ đây, độ ẩm đó đang biến mất vì khu vực này ấm hơn và khô hơn.
Amazon và Indonesia: Cháy rừng do con người đốt lửa
Theo Tiến sĩ Abatzoglou, cháy rừng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân con người dùng lửa phát quang. Cháy ở Amazon và Indonesia là do nguyên nhân điển hình này. Trong trường hợp rừng Amazon ở Brazil, nông dân dùng lửa phát quang đất để lấy nơi trồng đậu nành và chăn thả gia súc do nhu cầu toàn cầu tăng.
Trong giai đoạn 2004-2012, phá rừng ở Amazon đã giảm nhưng năm 2013 lại tăng. Tổng thống Brazil Jair Bolssonaro đã ủng hộ mở rộng ngành nông nghiệp và không quan tâm tới việc bảo vệ các nhóm thổ dân sống trong rừng. Chính sách này khiến nhiều người lo ngại tỷ lệ phá rừng có thể tăng thêm.
Các thông tin cho thấy những vụ cháy rừng Amazon năm nay xảy ra trùng thời điểm mùa khô ở Amazon và nghiêm trọng hơn vì thương chiến Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc là một nước mua nhiều đậu nành nhất thế giới và buộc phải tìm nguồn cung mới thay thế đậu nành Mỹ. Brazil là một trong số nguồn đó.
Ở Đông Nam Á, 71% rừng đất than bùn đã biến mất khắp Sumatra, Borneo và bán đảo Mã Lai trong giai đoạn 1990 và 2015. Nhiều khu rừng bị biến thành đất trồng cọ để lấy dầu.
Năm 2015, khói mù từ đám cháy rừng đất than bùn nghiêm trọng tới mức có thể đã gây ra cái chết sớm cho 100.000 người.
Bắc Cực: Mồi lửa mới
Mùa hè này, cháy rừng bùng phát khắp khu vực Bắc Cực, gồm cả Alaska, Greenland và Siberia, ở những nơi chưa từng cháy trước đây.
Nhiệt độ tăng khiến cháy dễ xảy ra hơn vì nhiệt cao làm khô héo cây cối và dễ cháy hơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết nhiệt độ cao là dấu hiệu biến đổi khí hậu xảy ra trong một khu vực ấm nhanh hơn các nơi khác trên hành tinh.
Mùa hè này, nhiều khu vực Alaska đã đạt kỷ lục về nhiệt độ. Ví dụ như Anchorage, thành phố cảng miền nam Alaska, đã đạt mức nhiệt 32 độ C ngày 4/7 khi nhiệt độ trung bình vào ngày đó thường chỉ là gần 24 độ C.
Khi các đám cháy lan ra, khí thải CO2 cũng lan rộng và đã đạt mức cao kỷ lục từ năm 2003.
Trong 18 ngày đầu tiên tháng 8, đám cháy rừng ở Bắc Cực đã thải ra 42 triệu tấn CO2, gần gấp 3,5 lần lượng CO2 mà cả Thụy Điển thải ra trong một năm.
Cháy rừng không chỉ được coi là dấu hiệu biến đổi khí hậu mà nó còn có thể làm tình trạng ấm lên toàn cầu tồi tệ hơn vì lượng bồ hóng mà than bùn cháy tạo ra rất giàu carbon. Khi bồ hóng bám lên các sông băng gần đó, băng sẽ hấp thụ năng lượng Mặt Trời thay vì phản chiếu nhiệt, khiến sông băng tan nhanh hơn.
California và châu Phi: Chu kỳ cháy theo mùa
Cháy rừng ở Bắc Cực mùa hè này là điều bất thường nhưng không phải mọi đám cháy rừng đều xảy ra bất ngờ. Ở một số nơi, rừng có chu kỳ cháy theo mùa.
Phía Tây nước Mỹ là một ví dụ. California năm nào cũng cháy rừng dường như không phải do tác nhân con người.
California cũng như phần lớn phía Tây và Đông Nam Mỹ có hệ sinh thái thích ứng với cháy.
Nói cách khác, một số khu vực trong quá trình phát triển cần tới các đám cháy. Ví dụ như cây thông lá xoắn to ở miền Tây nước Mỹ cần nhiệt từ đám cháy rừng để phát tán hạt.
Các đám cháy rừng ở tiểu vùng Sahara châu Phi cũng có đặc điểm tương tự. Theo Tiến sĩ Abatzoglou, hệ sinh thái thảo nguyên ở phía Bắc và Nam rừng mưa nhiệt đới châu Phi cứ sau hai đến ba năm lại cháy và có thể dự đoán.