Theo tạp chí Forbes, các ca sĩ và diễn viên như Madonna, Leonardo DiCaprio hay Jaden Smith đã chia sẻ những bức ảnh trên mạng xã hội và được hàng chục triệu người xem.
Diễn viên Leonardo DiCaprio nói: “Lá phổi Trái Đất đang bốc cháy”. Ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo viết trên Twitter: “Rừng mưa nhiệt đới Amazon tạo ra hơn 20% lượng oxy của thế giới”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tweet: “Rừng Amazon, lá phổi sản xuất 20% oxy của hành tinh chúng ta, đang bốc cháy”.
Các bức ảnh mà họ đăng thực ra không phải là vụ cháy diễn ra ở Amazon hiện nay và nhiều bức ảnh thậm chí còn không phải là cháy rừng Amazon. Bức ảnh mà Ronaldo chia sẻ được chụp năm 2013 ở miền Nam Brazil, cách xa Amazon.
Bức ảnh mà diễn viên DiCaprio và ông Macron chia sẻ thì được chụp cách đây... tới hơn 20 năm. Ảnh trên tài khoản của Madonna và Smith thì đã hơn 30 tuổi. Một số người nổi tiếng chia sẻ ảnh cháy rừng ở Montana, Ấn Độ và Thụy Điển mà cứ ngỡ là cháy rừng Amazon.
Kênh CNN và tờ The New York Times đã phân tích các bức ảnh và thông tin về cháy rừng Amazon. CNN giải thích: “Phá rừng là chuyện không mới cũng không chỉ xảy ra ở một quốc gia”. Tờ New York Times nói: “Những đám cháy này không phải do biến đổi khí hậu gây ra”.
Tuy nhiên, cả CNN và The New York Times đều nhắc nhiều lần rằng Amazon là lá phổi của thế giới. CNN nói Amazon vẫn là nguồn ôxy quan trọng ngày nay, còn The New York Times nói Amazon thường được coi là lá phổi Trái Đất vì những cánh rừng rộng lớn thải ra nhiều ôxy và hút CO2 – tác nhân chính gây ấm lên toàn cầu”.
Nói về những thông tin này, ông Dan Nepstad, một trong những chuyên gia hàng đầu về rừng Amazon nói: “Thật vớ vẩn. Không có bằng chứng khoa học nào sau những thông tin đó. Amazon tạo ra rất nhiều ôxy nhưng rừng này cũng sử dụng từng đó lượng ôxy trong quá trình hô hấp. Vì thế, quá trình này là cân bằng”.
Cây cối hô hấp để chuyển hóa chất dinh dưỡng từ đất thành năng lượng. Chúng quang hợp để biến ánh sáng thành năng lượng hóa học để sau này có thể được dùng trong quá trình hô hấp.
Tờ The New York Times còn khẳng định: “Nếu rừng mưa bị mất đi nhiều và không thể phục hồi, khu vực rừng sẽ trở thành thảo nguyên, không thể trữ nhiều carbon, nghĩa là làm giảm khả năng của lá phổi hành tinh”.
Theo ông Nepstad, điều này cũng không hoàn toàn chính xác vì Amazon tạo ra rất nhiều ôxy nhưng các cánh đồng đậu nành và đồng cỏ cũng tạo ra nhiều ô xy như vậy.
Video hình ảnh cháy rừng Amazon (nguồn: Time):
Do đó, việc các hãng truyền thông thế giới coi Amazon như "lá phổi hành tinh" là không chính xác. Tuy nhiên, “lá phổi” chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đầy thông tin sai. Ông Nepstad phản biện thông tin của CNN nói rằng cháy rừng Amazon đang diễn ra với tỷ lệ kỷ lục, chưa từng có tiền lệ trong vòng 20.000 năm qua.
Ông cho biết số vụ cháy rừng Amazon trong năm 2019 thực ra chỉ cao hơn 80% trong năm 2018 và chỉ cao hơn 7% so với mức trung bình trong 10 năm qua.
Leonardo Coutinho, một trong những nhà báo hàng đầu về môi trường ở Brazil, cũng cho rằng báo chí đưa tin sai về cháy rừng Amazon. Dưới thời cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva và Bộ trưởng Môi trường Marina Silva nhiệm kỳ năm 2003-2008, Brazil xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất nhưng không phải hai người này bị cáo buộc khiến rừng Amazon lâm nguy.
Ông Coutinho đưa tin về cháy rừng Amazon tại hiện trường trong suốt cả chục năm qua. Tuy nhiên, nhiều phóng viên Brazil khác lại đưa tin về cháy rừng khi họ ở những thành phố như Sao Paulo và Rio de Janeiro cách rừng Amazon tới 4 giờ bay.
Nhà báo Coutinho khẳng định: “Những gì đang diễn ra ở Amazon không phải là ngoại lệ. Hãy nhìn tìm kiếm trên Google từ “Amazon” và “rừng Amazon” trong thời gian hơn chục năm trở lại đây. Người dân toàn cầu không quan tâm tới bi kịch Amazon mấy. Do đó, tình hình hiện nay không giải thích cho cơn ‘lên đồng’ toàn cầu”.
Mặc dù vụ cháy ở Brazil có tăng nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cháy rừng Amazon tăng. Ông Coutinho cho biết rừng Amazon không cháy như trong những bức ảnh mà ông Macron hay diễn viên DiCaprio đăng lên Twitter. Các đám cháy rừng Amazon bị tán rừng cây che khuất và chỉ tăng về số lượng trong những năm khô hạn.
Ông Nepstad nói: “Chúng ta không biết liệu năm nay có nhiều vụ cháy rừng hơn những năm trước không, nhưng tôi cho là không. Tôi đã nghiên cứu những vụ cháy này suốt 25 năm qua và các mạng lưới trên mặt đất đang theo dõi vấn đề”.
Số vụ cháy tăng 7% năm 2019 là do cháy bụi cây khô và cây bị chặt để làm nơi chăn thả gia súc.
Trái với bức tranh mà truyền thông vẽ ra là rừng Amazon đang trên bờ vực biến mất, thì 80% diện tích rừng vẫn còn đó. Nửa rừng Amazon được bảo vệ trước nạn chặt phá theo luật liên bang.
Phá rừng đã giảm dần từ tỷ lệ 70% năm 2004 và chỉ tăng nhẹ nhưng vẫn chỉ bằng 1/4 mức đỉnh năm 2004. Chỉ 3% đất rừng Amazon hợp để trồng đậu nành.
Cả ông Nepstad và nhà báo Coutinho đều nói rằng mối đe dọa thực sự đến từ các cháy rừng vô tình trong những năm khô hạn.
Ông Nepstad nói: “Tôi không thích truyền thống thế giới đưa tin về cháy rừng lúc này vì thông tin xung đột và gây chia rẽ”.
Người dân Brazil rất giận dữ khi Tổng thống Pháp Macron nói về cháy rừng ở Brazil. Họ muốn biết tại sao California (Mỹ) được cảm thông khi xảy ra cháy rừng còn khi cháy rừng xảy ra tại Amazon, chính phủ và người dân nước này lại bị đổ lỗi.
Dưới sức ép quốc tế, Chính phủ Brazil đã phải điều quân đội để dập lửa trong khi cháy rừng không phải đều là do hành vi bất hợp pháp gây ra. Người dân Brazil được cho là có lý do hợp pháp để đốt lửa có kiểm soát xua đuổi côn trùng và sâu bệnh.
Ông Nepstad và nhà báo Coutinho cho rằng phản ứng từ báo chí nước ngoài, người nổi tiếng, các tổ chức phi chính phủ bắt nguồn từ chủ nghĩa chống tư bản.
Một số người lại có động cơ chính trị. Ông Nepstad nói: “Nông dân Brazil muốn gia hạn thỏa thuận thương mại tự do EU-Mercosur nhưng ông Macron muốn chấm dứt vì ngành nông nghiệp Pháp không muốn có nhiều thực phẩm Brazil tràn vào Pháp”.