Theo hãng tin Reuters, trong buổi gặp Đại sứ Canada tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành phản đối mạnh mẽ vụ việc trên. Ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh Bắc Kinh yêu cầu Ottawa ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu nếu không sẽ đối mặt với nhiều hậu quả. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động Canada đã "phớt lờ luật pháp" và vô lý.
Trước đó, Canada đã lên tiếng bảo vệ quyết định bắt bà Mạnh Vãn Chu, khẳng định sự việc này không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp.
Bà Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay. Bà Mạnh Vãn Chu đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cố tình bán các thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Hiện tòa án Canada chưa công bố quyết định có cho phép bà Mạnh Vãn Chu được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại hay không.
Việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ăn tối và đạt "thỏa thuận đình chiến" thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Buenos Aires, Argentina, đã làm dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo 2 quan chức Mỹ, trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống nước này Donald Trump không biết gì về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, cũng như đề nghị của Washington dẫn độ bà từ Canada.