Phát biểu tại một hội nghị công nghệ ở Montreal ngày 6/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ông biết trước vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, song đây là quyết định của riêng lực lượng thực thi pháp luật. Nhà lãnh đạo Canada nêu rõ ông có thể đảm bảo với tất cả mọi người rằng Canada là một quốc gia có nền tư pháp độc lập, và việc đưa ra quyết định bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào. Tuy nhiên, ông từ chối thông tin thêm về vụ việc, viện dẫn lệnh cấm công khai của tòa.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cũng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát nước này đã "hành động độc lập" với chính phủ. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Canada Scott Jones cho biết Ottawa sẽ chuẩn bị ứng phó với nguy cơ tấn công mạng có thể xảy ra.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Mạnh Vãn Chu. Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định bà Mạnh Vãn Chu không vi phạm bất kỳ luật lệ nào của Mỹ và Canada, đồng thời, yêu cầu phía Canada "ngay lập tức khắc phục lỗi sai".
Huawei cũng đưa ra tuyên bố tập đoàn này tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành tại những nơi mà tập đoàn hoạt động.
Trước đó, Bộ Tư pháp Canada cho biết bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay. Nhà điều hành Huawei này đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Dự kiến, bà Mạnh Vãn Chu sẽ tham dự phiên tòa bảo lãnh trong ngày 7/12.
Việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ăn tối và đạt "thỏa thuận đình chiến" thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Buenos Aires, Argentina, đã làm dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo 2 quan chức Mỹ, trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống nước này Donald Trump không biết gì về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, cũng như đề nghị của Washington dẫn độ bà từ Canada.
Vụ bắt giữ cũng làm dấy lên tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán "chìm trong sắc đỏ". Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm gần 800 điểm trong phiên giao dịch ngày 6/12 và chỉ tăng điểm vào cuối phiên giao dịch sau khi Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall) đưa tin về khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng này. Chốt phiên giao dịch, các chỉ số Shanghai Composite và chỉ số Shenzen Composite giảm lần lượt 1,68% và 2,44%.
Trong khi đó, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 2,47% xuống mức 26.156,38 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nhất tại cả hai thị trường. Không chỉ riêng Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đóng cửa trong "sắc đỏ". Cụ thể, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) giảm 1,91% còn 21.501,62 điểm, trong khi chỉ số Kospi (Hàn Quốc) mất 1,55% và đóng cửa ở mức 2.068,69 điểm.