Trong những năm gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã chật vật tìm cách ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học khi lực lượng lao động già hóa nhanh chóng, kinh tế chững lại và tốc độ tăng trưởng dân số cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Dù Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con từ năm 2016 và cũng đã cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con từ năm 2021, tỷ lệ sinh vẫn giảm trong 5 năm qua.
Theo chính sách mới được Ủy ban Y tế quốc gia (NHS) ban hành ngày 16/8, chính quyền trung ương và các tỉnh được khuyến nghị tăng chi tiêu cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ trên toàn quốc. Chính quyền các địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ sinh sản chủ động, trong đó có những biện pháp như trợ cấp, hoàn tiền thuế, cung cấp chương trình bảo hiểm y tế và giáo dục chất lượng tốt hơn, hỗ trợ nhà ở và việc làm cho các hộ gia đình trẻ.
Đến cuối năm 2022, tất cả các tỉnh phải đảm bảo có dịch vụ trông trẻ từ 2-3 tuổi. Nhiều thành phố có mức sống cao hơn đã cung cấp những ưu dãi thuế, tín dụng nhà ở, phúc lợi giáo dục và cả tiền mặt để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Chính sách mới ban hành mong muốn nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Chi phí sinh hoạt tăng cao và việc người dân ngày càng có xu hướng xây dựng gia đình quy mô nhỏ hơn được cho là những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sinh tại Trung Quốc ngày càng giảm. Hồi đầu tháng này, giới chức Trung Quốc cảnh báo dân số nước này sẽ bắt đầu giảm dần vào năm 2025.