Trung Quốc 'thân thiện hóa' dịch vụ thanh toán điện tử cho người nước ngoài

Ngày 8/3, nhiều nhà điều hành ứng dụng thanh toán trực tuyến thông báo rằng du khách nước ngoài đến Trung Quốc hiện có thể chi tới 2.000 USD mỗi năm mà không cần phải đăng ký ID. Con số này cao gấp 4 lần so với giới hạn trước đó là 500 USD.

Chú thích ảnh
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung Quốc đã có một tác động to lớn đến sự phát triển chuyển đổi số tại quốc gia này nhưng gây khó khăn cho khách du lịch.
Ảnh: TechHQ

Trung Quốc nổi tiếng với các dịch vụ thanh toán không dùng đến tiền mặt, góp phần tăng mức độ tiện lợi và bảo mật trong thanh toán cho người dân nước này khi áp dụng phương thức quản lý bằng ID và số điện thoại đăng ký.

Nhưng với du khách nước ngoài, đây lại là một rào cản. Alipay cho phép liên kết với một số ngân hàng nước ngoài, còn WeChat Pay thì không. Người dùng phải có tài khoản của một ngân hàng tại Trung Quốc mới có thể dùng WeChat Pay.

Cả hai ứng dụng đều yêu cầu đăng ký số điện thoại thật, trên lý thuyết có thể dùng số điện thoại nước ngoài, nhưng thực tế chỉ có thể đăng ký nhanh chóng thuận lợi nếu dùng sim Trung Quốc.

Vì vậy, khách đến du lịch ở quốc gia này trong một thời gian ngắn sẽ khó đăng ký được tài khoản và khó dùng được Alipay, WeChat Pay. Kể cả nếu đăng ký được tài khoản, vẫn có rủi ro nếu  không vào được mạng, hoặc ứng dụng trục trặc, hay điện thoại của bạn không hoạt động tốt.

Số lượng du khách nước ngoài đến Trung Quốc đã giảm sau khi nước này tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt trong thời kỳ đại dịch.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc), ngân hàng này sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình chấp nhận thẻ của ngân hàng nước ngoài, sử dụng tiền mặt và các dịch vụ tài khoản khác. Đây được xem là động thái quyết liệt của ngành chức năng Trung Quốc trong tạo môi trường thanh toán thuận tiện cho du khách nước ngoài cũng như thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới.

Giới hạn giao dịch tăng lên phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong năm nay nhằm giúp du khách nước ngoài thanh toán mua hàng hàng ngày dễ dàng hơn ở một quốc gia nơi thanh toán trực tuyến đã trở nên phổ biến.

Công ty công nghệ Tencent không xác nhận con số chính xác về các giao dịch không cần ID bằng WeChat Pay, nhưng lưu ý rằng người nước ngoài có thể hoàn thành một số khoản thanh toán mà không cần đăng ký ID của họ.

Ant Group, một tập đoàn tài chính ở Trung Quốc, thông báo vào ngày 8/3 rằng du khách quốc tế đã đăng ký ID của họ trên Alipay có thể sử dụng ứng dụng này để thực hiện các giao dịch đơn lẻ với số tiền lên đến 5.000 USD, tăng từ mức trước đó là 1.000 USD.

Alipay, được điều hành bởi Alibaba - một công ty liên kết của Ant Group, là một trong hai ứng dụng thanh toán di động lớn nhất ở Trung Quốc. WeChat Pay của Tencent là ứng dụng thanh toán di động khác được sử dụng phổ biến.

Ant Group cho biết giới hạn giao dịch hàng năm cho những người đã đăng ký ID của họ hiện là 50.000 USD - tăng gấp 5 lần so với mức trước đó là 10.000 USD. Những thay đổi này áp dụng cho du khách quốc tế đến Trung Quốc và sử dụng Alipay hoặc 10 ứng dụng thanh toán di động cụ thể khác ở nước ngoài.

Chương trình có tên Alipay+ cho phép người dùng hiện tại của một số ứng dụng thanh toán di động nhất định từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ, Hồng Kông và Macao có thể quét mã QR Alipay trực tiếp để thanh toán tại Trung Quốc.

Trung Quốc muốn tạo môi trường thanh toán thuận lợi hơn cho người nước ngoài để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử Trung Quốc xuyên biên giới.

Đồng thời Bắc Kinh cũng muốn giảm bớt những bất tiện cho du khách nước ngoài trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ngày càng ít dùng tiền mặt.

Nhật Linh/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Malaysia thúc đẩy mở rộng thương mại, đầu tư với Trung Quốc
Malaysia thúc đẩy mở rộng thương mại, đầu tư với Trung Quốc

Tổng Thư ký Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), ông Hairil Yahri Yaacob cho biết Malaysia đang nỗ lực mở rộng liên kết thương mại với Trung Quốc và khu vực thông qua thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN