Thanh niên Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị lừa tiền khi tìm việc làm qua mạng

Lợi dụng tình trạng khan hiếm việc làm, những kẻ lừa đảo trực tuyến yêu cầu nhiều người trẻ trả khoản phí khổng lồ để đảm bảo có việc làm.

Chú thích ảnh
Sinh viên tốt nghiệp tham dự hội chợ việc làm tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải ngày 16/10/2023. Ảnh: Xinhua

Những người trẻ khao khát tìm kiếm một công việc ở Trung Quốc đang ngày càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, hứa hẹn cho họ công việc ổn định sau khi phải trả một khoản phí khổng lồ.

Theo thông tin từ kênh truyền thông Trung Quốc Sina Tech vào tháng 2/2024, các hoạt động bất hợp pháp này đang tràn lan trên các trang tuyển dụng và mạng xã hội nước này. Những kẻ lừa đảo đóng giả thành các công ty tư vấn việc làm và đăng thông tin chi tiết về các cơ hội việc làm được trả lương cao, đôi khi còn có công việc ở các doanh nghiệp nhà nước.

Khi những người trẻ nộp đơn vào các công ty, họ mới phát hiện ra rằng mình sẽ bị tính thêm "phí dịch vụ". Mức phí khác nhau tùy thuộc vào công việc được quảng cáo và loại hình công ty.

Ví dụ, đối với một vị trí ở công ty tư nhân lớn, người tìm việc có thể phải trả 10.000 nhân dân tệ (hơn 34 triệu đồng), trong khi phí cho một vị trí ở doanh nghiệp nhà nước có thể lên tới 200.000 nhân dân tệ (hơn 686 triệu đồng). Đặc biệt, với một vị trí ở cơ quan nhà nước được hứa hẹn sẽ vào biên chế, được trợ cấp nhà ở, chế độ ổn định và ít nguy cơ thất nghiệp thì mức phí sẽ là 450.000 nhân dân tệ (hơn 1,5 tỷ đồng).

Bên dưới một bài đăng trên nền tảng Xiaohongshu từ một công ty tư vấn có trụ sở tại tỉnh Cát Lâm, hàng chục người đã để lại bình luận xin thông tin chi tiết về công việc. Một số người trong đó còn hỏi về mức phí phải trả.

Sự hấp dẫn của những lời mời gọi việc làm như vậy là điều dễ hiểu, khi giới trẻ Trung Quốc đang phải cạnh tranh tìm việc làm ngày càng khốc liệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Theo dữ liệu mà Cục thống kê Trung Quốc công bố vào tháng 12/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16 - 24 tuổi, không bao gồm sinh viên, là 14,9%. Trước đó, vào tháng 6/2023, con số này ở mức 21,3%.

Các ngành công vụ (thi công chức) được coi là một trong những nơi sử dụng lao động ổn định nhất Trung Quốc. Năm 2024, số người đăng ký thi tuyển vào các vị trí này đạt mức kỷ lục 2,83 triệu người.

Công ty ở Cát Lâm nói trên quảng cáo mức lương hàng tháng của công việc này là từ 5.000 nhân dân tệ đến 8.000 nhân dân tệ (từ 17-27 triệu đồng), cao hơn một chút so với mức trung bình ở thủ đô.

Công ty nói với những người tìm việc rằng họ có thể giúp các ứng viên vượt qua vòng đầu tiên với bài kiểm tra viết và hứa rằng họ sẽ đi thẳng vào vòng phỏng vấn thứ hai rồi dễ dàng vượt qua. Tuy nhiên, hợp đồng mà họ yêu cầu người tìm việc ký cho thấy đó chỉ là lừa đảo.

Công ty này yêu cầu người tìm việc phải trả toàn bộ phí trong 48 giờ trước cuộc phỏng vấn, với tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng họ không đưa ra bất kỳ lời hứa nào về kết quả của các cuộc phỏng vấn.

Meng Bo - Luật sư của Công ty Luật Jingsh tại Bắc Kinh - cho biết, hợp đồng này đương nhiên không hợp lệ vì vi phạm pháp luật. Các công ty đã phạm tội lừa đảo bằng cách rao bán việc làm tràn lan trên các nền tảng trực tuyến.

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Người trẻ Trung Quốc tận dụng tối đa dịp nghỉ Tết để kiếm tiền
Người trẻ Trung Quốc tận dụng tối đa dịp nghỉ Tết để kiếm tiền

Các quầy hàng vỉa hè tại Trung Quốc vẫn không ngừng hồi sinh trong dịp Tết, khi những người bán hàng trẻ tận dụng tối đa thời gian nghỉ lễ dài để tăng thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN